- Hơn 40 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu
- Việt Nam, Indonesia đồng chủ trì họp EAS về hợp tác ứng phó COVID-19
- Việt Nam xác nhận đặt mua vaccine COVID-19 từ Nga và Anh
Cách đây một năm, anh Lân (43 tuổi) là giám đốc một công ty du lịch quốc tế có tiếng ở Hà Nội với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Đồng nghiệp, đối tác đều bị lôi cuốn bởi phong thái nhiệt tình, giàu năng lượng, làm việc liên tục từ 4h sáng đến 12h đêm mà vẫn hài hước, dí dỏm của anh. Chỉ mới đây thôi, anh đã phải nhập viện điều trị chứng rối loạn tâm thần cấp tính sau nhiều tháng âm thầm chống chọi với những biến cố đến từ cơn sóng thần COVID-19.
Tâm thần vì thất nghiệp
Bác sĩ H, người điều trị trực tiếp cho anh Lân kể lại, khi nhập viện, anh gần như rơi vào trạng thái như buồn rầu, ủ rũ, mất mọi quan tâm thích thú cũ như thể thao hay phim ảnh. Anh liên tục kiểm tra tin tức trên điện thoại về đại dịch COVID-19 và diễn biến kinh tế thế giới kèm theo là những câu ca thán ảm đạm và bi quan về tương lai sự nghiệp.
Từ một người năng động, giàu nhiệt huyết, mọi cử chỉ nhanh nhẹn, chính xác với tư duy sắc nhọn, thông thái, anh trở lên chậm chạp, ý tưởng nghèo nàn, khó tập trung, thường cảm thấy xấu hổ, bất hạnh, cảm thấy tự ti, mất tin tưởng vào bản thân.
Người nhà kể lại, trước đây anh được xếp vào dạng “ăn to nói lớn” đúng chuẩn của một giám đốc quyền lực nhưng giờ đây anh trở nên nói chậm và nhỏ, có lúc thì thào từng tiếng một và luôn đổ lỗi cho bản thân vì sự bất tài của anh mà công ty phải đóng cửa, nhân viên thất nghiệp, bán nhà trả nợ, nhà hàng phá sản, con cái đang học trường tư danh tiếng thì phải chuyển về trường công để giảm chi phí.
Một loạt biến cố dồn dập diễn ra trong thời gian ngắn khiến anh ức chế, suy sụp, chỉ muốn nằm một chỗ, không muốn tham gia bất kể công việc gì, kể cả chăm sóc cá nhân, ăn uống ít. Và khi phải nhập viện là thời điểm anh có ý định tự sát để kết thúc mọi sầu muộn.
Ảnh: L.G |
Anh Lân không phải trường hợp hy hữu khi trong thời gian từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, số lượng người đến khám và điều trị tâm lý tại các bệnh viện trong cả nước đã tăng lên đáng kể.
ThS.BS Bùi Văn San - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiết lộ trên website bệnh viện: Gần đây, tỉ lệ bệnh nhân đi khám ngoại trú tại Viện Sức khỏe tâm thần tăng lên đáng kể, đạt khoảng 250 đến 300 người đi khám mỗi ngày, chủ yếu gặp những vấn đề về rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, lo lắng.
Một số nguyên nhân gây căng thẳng khác là về tình trạng tài chính, đời sống kinh tế suy giảm. Đó là những người làm kinh doanh trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, có nhiều khoản vay ngân hàng hay mối lo lắng sợ bị mất việc, giảm thu nhập. Đời sống kinh tế suy thoái thì rõ ràng con người phải lo lắng và những người tâm lý nhạy cảm thì rất dễ lâm bệnh.
Bên cạnh đó, một số người đang có sẵn bệnh nền trong cơ thể, ví dụ như những người lớn tuổi đã có những bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, suy tim thì sẵn lo âu mà nay còn căng thẳng do dịch COVID nữa thì sẽ mối lo sẽ càng tăng trầm trọng thêm, cả cơ thể và tinh thần sẽ đều bị ảnh hưởng.
Một bác sĩ điều trị tâm thần tiết lộ một số bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền phải nhập đến khám hoặc nhập viện do lo lắng không thể kiểm soát về bất cứ chủ đề gì như bao giờ đại dịch đi qua, bao nhiêu người đã lây nhiễm, số người chết... không chỉ ở địa phương mà còn ở tầm quốc gia và thế giới.
Mối lo lắng ám ảnh suốt ngày từ lúc thức dậy cho đến khi lên giường và bệnh nhân ý thức điều đó là vô lý nhưng không sao kiểm soát được. Hậu quả dẫn đến rất nhiều triệu chứng cơ thể phối hợp như run tay, căng cơ, đánh trống ngực, bồn chồn, đầy bụng, mót đi tiểu liên tục, đi ngoài phân lỏng, vướng ở cổ, khó nuốt...
Tình trạng lo lắng căng thẳng của bệnh nhân sẽ nhanh chóng phát triển tới tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Bệnh nhân lo không đủ khẩu trang dùng, lo hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn, lo cửa hàng đóng cửa thì mua lương thực, thực phẩm ở đâu, nghỉ học thế thì thi cử thế nào.
Hoảng loạn vì bị mắc kẹt ở nước ngoài
Không chỉ nhiều người Việt trong nước phải điều trị tâm lý trong thời gian có dịch COVID-19 mà nhiều người Việt trở về từ nước ngoài cũng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. 71 người từ các khu cách ly COVID-19, vùng dịch tễ đã được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong 8 tháng qua, bởi phát nhiều dấu hiệu bệnh tâm thần.
Chia sẻ trên báo điện tử VnExpress, bác sĩ Nguyễn Đức Vượng, phụ trách khu cách ly Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết, những bệnh nhân này chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm người phải vào khu cách ly tập trung vì có yếu tố dịch tễ, sau đó xuất hiện những dấu hiệu bệnh tâm thần như mất ngủ, nói nhảm. Nhóm thứ hai là người có tiền sử bệnh tâm thần, đã điều trị, sức khỏe ổn định, sau đó đi du học hoặc làm việc tại nước ngoài... khi phải cách ly, không điều trị đúng liệu trình khiến bệnh tái phát.
Ảnh: L.G |
Đáng chú ý trong những ca nhập viện có một bệnh nhân tên Long (đổi tên), 30 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học kỹ thuật nổi tiếng, từng là kỹ sư xây dựng cho công ty Nhật nhưng bỏ ngang đi tu nghiệp ở một quốc gia châu Âu. Ở trong khu cách ly hay khu điều trị của bệnh viện, Long thường đi đi lại lại cả ngày và thường xuyên nói những câu kỳ quặc như sứ mệnh của anh là giải cứu thế giới khỏi đại dịch COVID.
Không những vậy, Long thường bắt chước sủa gâu gâu theo tiếng chó hoặc dùng chổi múa võ, đấm boxing, đào đất. Long còn kể lại luôn nghe thấy những âm thanh lạ trong đầu như tiếng còi tàu, tiếng chó sủa, hoặc tiếng dọa nạt, sai khiến, nhạo báng của những đồng nghiệp Thái Lan đã từng mâu thuẫn với anh ở nước sở tại. Có lúc anh kể còn nhìn thấy cả những thế lực siêu nhiên đang đuổi theo mình khiến anh sợ hãi, hoảng loạn.
Những triệu chứng của Long là đặc trưng hàng đầu của bệnh tâm thần phân liệt với biểu hiện người bệnh cho rằng mình bị các lực lượng siêu nhiên bên ngoài điều khiển; ảo thanh với biểu hiện người bệnh nghe có tiếng nói lạ trong đầu mình luôn luôn bình phẩm, dọa nạt, sai khiến hoặc âm thanh động vật; hiện tượng tâm thần tự động với biểu hiện người bệnh cho rằng những ý nghĩ thầm kín của mình đã bị người khác biết được hay bị đánh cắp... và một số triệu chứng khác.
Trước thời điểm tham gia kỳ thực tập sinh nông nghiệp 11 tháng ở nước ngoài, Long là một kỹ sư cầu đường thân thiện, tốt bụng, thu nhập cao và có một người bạn gái xinh xắn. Nhưng, khi phải trải những cú sốc ở môi trường mới như phải làm việc việc liên tục 11 tiếng trong cái nóng sa mạc 40-50 độ C với độ ẩm 20%, bị đồng nghiệp nước ngoài cạnh tranh chơi xấu thậm chí bạo hành thể xác, ông chủ khắt khe, cộng thêm 4 tháng lang thang vì bị tắc lại nơi đất khách quê người vì dịch COVID đã khiến bệnh tâm thần của Long khởi phát.
Cũng như Long, Duy (đã đổi tên), xuất khẩu lao động sang Nhật Bản gần một năm thì COVID-19 đến. Theo chia sẻ của bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trên Báo VnExpress, anh nghỉ chỗ làm cũ vì thu nhập không đủ chi trả phí sinh hoạt đắt đỏ. Tháng 4, Duy phải về nước, cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh theo quy định.
Vài ngày ở trong khu cách ly tập trung, Duy bắt đầu mất ngủ, nói lảm nhảm, đi lại như người mất hồn cả ngày lẫn đêm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly COVID-19 dành riêng cho người có dấu hiệu tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị.
Theo bác sĩ điều trị, Duy có những dấu hiệu bệnh tâm thần, song chưa đủ chẩn đoán là tâm thần phân liệt hay trầm cảm. Bác sĩ nhận định việc thay đổi môi trường sinh hoạt, cộng với áp lực kinh tế khiến Duy khởi phát bệnh tâm thần.
WHO đã gọi COVID-19 là cơn bão tàn phá sức khỏe tâm thần của hàng triệu người dân trên toàn thế giới. Không chỉ ở Việt Nam, nơi 1/3 người Mỹ nói rằng đại dịch đang có “tác động nghiêm trọng” đến sức khỏe tâm thần của họ, theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công bố ngày 25 tháng 3.
“Mất người thân, bạn bè, bị cô lập, thu nhập giảm, nỗi sợ hãi đang châm ngòi các bệnh tâm lý hoặc làm trầm trọng hơn những triệu chứng hiện có”, WHO tuyên bố. “Nhiều người đang đối mặt với mất ngủ, lo lắng, sử dụng nhiều rượu và ma túy hơn”.
Trong cuộc chiến sức khỏe tâm thần còn kéo dài và sẽ để lại hậu quả nặng nề này, ngoài ý thức cá nhân luôn để ý đến những bất thường về tâm lý để sớm chữa chạy kịp thời, thì sự cảm thông, thấu hiểu và giúp đỡ của gia đình, người thân cũng như cộng đồng là một nhân tố rất quan trọng.
Nhất là trong bối cảnh người Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý “xấu chàng hổ ai”, luôn sợ bị cộng đồng chê trách, đánh giá tiêu cực nên chỉ muốn “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”. Hậu quả là những sang chấn tâm lý không được chữa đúng thời điểm sẽ để lại di chứng suốt đời, thậm chí đánh đổi bằng cả sinh mệnh.
Bảo ChâuXem thêm: /762516-naht-hnit-ahp-nat-91-divoC-ib-iougn-gnuhN/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna