Theo tờ South China Morning Post ngày 29-10, em gái một nhà hoạt động Thái Lan đã mất tích trong thời gian ở Campuchia tin rằng vụ bắt cóc của anh trai cô đã châm ngòi phong trào ủng hộ dân chủ chống lại chính phủ không được lòng dân của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Biểu tình ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP
Vào tháng 6, hình ảnh từ một camera an ninh cho thấy anh Wanchalerm Satsaksit (37 tuổi) bị kéo vào một chiếc xe tải trên đường phố Phnom Penh vào ban ngày và không ai nhìn thấy anh kể từ đó. Các nhóm hoạt động nhân quyền đã kêu gọi Campuchia và Thái Lan điều tra vụ việc.
Sau khi mất tích, anh tiếp tục đăng các bài viết châm biếm chống lại chính phủ của ông Prayuth từ nước ngoài lên mạng xã hội, làm dấy lên nghi ngờ rằng anh bị bắt cóc.
Những tấm áp phích với hình ảnh anh đang tươi cười và giơ biểu tượng phản đối - một kiểu chào bằng ba ngón tay từ bộ phim The Hunger Games đã xuất hiện trong những tháng gần đây tại các cuộc mít tinh lớn đòi cải cách chính phủ và chế độ quân chủ của Thái Lan.
Em gái của anh - cô Sitanan Satsaksit trong lúc nói chuyện với các sinh viên đại học tại một diễn đàn nhân quyền vào tối 28-10, đã cương quyết khẳng định rằng chính quyền Thái Lan biết điều gì đó về sự mất tích của anh trai cô. Tuy nhiên, các quan chức Thái Lan kiên quyết phủ nhận tuyên bố của cô và phía Campuchia cho biết họ không có thông tin về việc này.
"Nhà nước có liên quan đến sự mất tích của anh ấy và tôi đã nói điều này nhiều lần" - cô Sitanan nói.
Hiện hashtag "Giải cứu Wanchalerm" đang được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội Thái Lan không chỉ liên quan các tin tức về sự biến mất của nhà hoạt động mà còn được sử dụng để khuếch đại các tuyên bố về sự đàn áp của nhà nước.
Tám nhà hoạt động lưu vong nổi tiếng khác đã mất tích kể từ khi ông Prayuth lần đầu tiên lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2014. Thi thể của hai người trong số họ trốn sang Lào đã được tìm thấy vào tháng 1-2019 trên sông Mekong trong tình trạng bị mổ bụng và nhét đầy đá.
Cô Sitanan nói: "Nhiều người thậm chí không biết anh trai tôi nhưng họ đến để phản đối vì họ nghĩ những gì đã xảy ra với anh ấy thật tàn nhẫn. Họ muốn có câu trả lời rõ ràng để không ai khác phải chịu đựng như vậy".
Đối mặt với việc các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng và những người biểu tình phớt lờ tình trạng quy định khẩn cấp cấm tụ tập, chính quyền Thái Lan đã đồng thời sử dụng các biện pháp như phun vòi rồng và bắt giữ hàng loạt các nhà lãnh đạo biểu tình. Tuy nhiên, Bangkok vẫn cho phép phong trào đường phố ôn hòa tiếp tục.
Hôm 28-10, ông Prayuth đã nói chuyện với các phóng viên sau một phiên họp Quốc hội đặc biệt để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra.
Trả lời các phóng viên, ông nói rằng ông có thể đáp ứng một trong ba yêu cầu của những người biểu tình là sửa đổi các yếu tố của hiến pháp được soạn thảo dưới điều lệ của quân đội. Nhưng ông đã từ chối từ chức và không bình luận về những lời kêu gọi cải cách chế độ quân chủ lập hiến.