Ngày 29-10, thống kê ban đầu từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, bão số 9 đã khiến 13 người bị thương và gây thiệt hại lớn về nhà ở của người dân cũng như công trình trường học, trụ sở cơ quan.
Cụ thể, bão số 9 khiến 13 người bị thương, trong đó Bình Sơn có hai người, Sơn Tịnh ba người, Nghĩa Hành ba người, TP. Quảng Ngãi ba người, Sơn Hà một người và Trà Bồng một người.
Ảnh hưởng từ bão số 9 khiến hơn 84 ngàn ngôi nhà ở Quảng Ngãi bị sập, tốc mái và hư hỏng. Ảnh: NT
Về nhà ở có 84.664 nhà bị sập, hư hỏng, trong đó có 165 nhà bị đổ sập, 84.499 nhà ở bị tốc mái, hư hại. Trong đó, huyện Tư Nghĩa có số lượng nhà bị hư hỏng nhiều nhất với 23.800 nhà, huyện Bình Sơn 18.500 nhà, huyện Mộ Đức 15.200 nhà, Nghĩa Hành 12.500 nhà…
Có 151 điểm trường, 326 cơ sở y tế, cơ quan bị tốc mái, hư hỏng; hai chợ bị hư hỏng là chợ Sông Vệ (Tư Nghĩa) và Chợ Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi); 1 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh (Thị xã Đức Phổ).
Đến chiều ngày 29-10, nhiều khu vực ở Quảng Ngãi vẫn mất điện, người dân chưa thể quay lại cuộc sống như thường nhật. Ảnh: NT
Về nông nghiệp,thống kê ban đầu có 477 ha diện tích rừng bị thiệt hại và 6.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ. Về thủy sản có tám ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm và 48 lồng bè cá nuôi tại Lý Sơn bị chết.
Trong ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại tỉnh này.
Sáng ngày 29-10, các tuyến đường ở trung tâm TP. Quảng Ngãi vẫn còn ngập rác, tôn... Ảnh: NT
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo nhanh với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các thành viên trong đoàn công tác về những thiệt hại ban đầu của tỉnh.
Song song với việc khắc phục hậu quả, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu sau bão; chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, trường học hư hỏng để sớm sớm tái thiết cuộc sống.
Nhiều người dân cho biết đây là trận bão lớn chưa từng có từ nhiều năm trước đó đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TÂN VŨ
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai xem xét hỗ trợ bước đầu cho tỉnh Quảng Ngãi 100 tỷ để ổn định dân sinh và 10 tỷ ổn định khôi phục sản xuất, thiệt hại nông nghiệp.
Do một khối lượng cây xanh bị ngã đổ, gãy cành cùng rác nên nhiều tuyến đường vẫn chưa được lực lượng chức năng dọn dẹp xong. Ảnh: TÂN VŨ
Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong tâm bão nên thiệt hại rất nặng nề. Một thành công của tỉnh trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức ứng phó với bão là không có thiệt hại về người.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh tập trung đưa những người dân di dời, sơ tán quay về nơi ở an toàn; tiếp tục di dời những hộ dân ở khu vực thấp, có nguy cơ bị ngập, mất an toàn.
Địa phương cần gấp rút dồn sức hỗ trợ khắc phục các nhà dân bị sập đổ, bị tốc mái, hư hỏng để ổn định dân sinh; sửa chữa, khắc phục ngay cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là điện, nước, các công trình giáo dục, y tế,…trong thời gian nhanh nhất có thể.
Chị Võ Thị Hoàng Oanh, TP. Quảng Ngãi cho biết trong đời chưa hề chứng kiến trận bão lớn như vậy, những tấm tôn bị gió cuốn bay như giấy vụn trên trời khiến không một ai có thể giữ được bình tĩnh. Ảnh: TÂN VŨ
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cần phải chú ý đến việc không được để tình trạng các đơn vị bán vật liệu xây dựng tự nâng giá, cũng như thiếu vật tư, vật liệu, sửa chữa lại nhà cho người dân. Cần phải chú ý đến vấn đề môi trường, không để tình hình dịch bệnh bùng phát, …
Đến chiều cùng ngày, người dân ở Quảng Ngãi vẫn đang tất bật dọn dẹp, nhanh chóng tái thiết lại cuộc sống.
Cũng trong sáng 29-10, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra thực tế một số khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9.