Chiều 29/10, Công an TP Hà Nội thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ nữ sinh Trần Thúy Hiền (18 tuổi, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; sinh viên năm thứ nhất trường Học viện Ngân hàng) bị sát hại, cướp tài sản gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.
Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội (PC02) cho biết, khoảng 2h sáng 24/10, Công an huyện Thường Tín tiếp nhận đơn trình báo của gia đình Hiền về việc nữ sinh này bị mất tích.
Sau khi đánh giá các thông tin thu thập được, Công an TP Hà Nội cho rằng, việc Hiền bị mất tích có dấu hiệu bất thường, nhiều khả năng nữ sinh này đã bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Quá trình rà soát, khoanh vùng đối tượng, khoảng 16h ngày 26/10, cơ quan công an đã tiến hành triệu tập đối tượng Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi, trú xã Văn Phú, huyện Thường Tín) lên làm việc.
“Bước đầu, Trung giở nhiều thủ đoạn để chống đối, không nhận tội. Trung cho biết đi qua đường bờ đê sông Nhuệ, đoạn qua xã Nguyễn Trãi thì nhặt được điện thoại và xe đạp của Hiền” - Đại tá Bình cho hay.
Tiếp tục tập trung đấu tranh, khai thác, đến 0h30 ngày 27/10, đối tượng Trung đã khai nhận giết nữ sinh Hiền, cướp xe đạp và điện thoại.
Chia sẻ thêm về diễn biến vụ án, Đại tá Nguyễn Tiến Tần - Trưởng Công an huyện Thường Tín - cho biết, sau khi đẩy ngã Hiền xuống sông Nhuệ để cướp điện thoại, Trung tiếp tục đi xuống bờ sông để dìm nạn nhân xuống nước.
Khi dìm nạn nhân xuống nước, mặc cho Hiền van xin, Trung vẫn quyết tước đoạt sinh mạng nữ sinh này đến cùng với mục đích để hành động cướp điện thoại không bị ai phát hiện.
Tiếp tục điều tra vụ án, cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, trú xã Quất Động, huyện Thường Tín) vào tối 27/10, khi đối tượng đang lẩn trốn tại xã Hà Hồi (huyện Thường Tín).
Kiến nghị biện pháp mạnh đối với người nghiện ma túy
Theo cơ quan công an, đây là vụ án giết người, cướp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật.
Đối tượng gây án ở địa bàn có ít người qua lại, không có nhân chứng hiện trường và không có hệ thống camera giám sát nên gây khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh.
“Trong quá trình tìm kiếm thi thể nạn nhân, cơ quan công an cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng đã huy động khoảng gần 400 người để rà soát, tìm kiếm thi thể nữ sinh trên sông Nhuệ” - ông Tần cho hay.
Chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí về công tác quản lý người nghiện ma túy, theo Đại tá Tùng, tất cả các đối tượng nghiện đều có trong hồ sơ quản lý, bao gồm cả đối tượng Trung và Quân.
Dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rằng, “ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân của các loại tội phạm khác”, Đại tá Tùng khẳng định vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại là một dẫn chứng.
“Chỉ có vì cái xe đạp bán được với giá 2,8 triệu đồng, điện thoại bán được 500 trăm nghìn đồng mà tấn công nạn nhân đến cùng, xin tha vẫn nhảy theo dìm xuống nước, rồi đối tượng thản nhiên lấy xe máy về bán đi mua ma túy để sử dụng...” - Đại tá Tùng nói.
Cũng theo Đại tá Tùng, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ, Bộ Công an đang nỗ lực đề nghị Quốc hội để làm sao có chế tài, biện pháp và phương pháp đối với nhóm đối tượng nghiện để hạn chế thấp nhất việc gây ra “thảm họa” cho xã hội.
Nguyễn Trường