Quân đội và chính quyền địa phương đang cùng với người dân khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân tại các khu vực bị sạt lở tại Nam Trà My, Quảng Nam- Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp, để khẩn trương hỗ trợ người dân, các ngành, các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành thực hiện hàng loạt các biện pháp cấp bách như:
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị sạt lở có ngưòi bị vùi lấp, khu vực bị cô lập do mưa lũ để phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khẩn trương chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương theo quy định.
Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn (giãn, hoãn, xóa nợ...) cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ quốc gia theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp kịp thời cho các địa phương, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.
"Các mặt hàng xuất cấp bảo đảm chất lượng, phân bổ đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ" - Thủ tướng lưu ý.
Nhiều khu vực tại miền Trung bị sạt lở do mưa lũ - Ảnh: MINH HÒA
Liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương đã có chỉ đạo như trên đối với các chủ đập thủy điện.
Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu các chủ đập thủy điện phải tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả.
Các chủ đập thủy điện phải tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành đảm bảo an toàn công trình.
Đồng thời, các chủ đập thủy điện cũng phải triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo…).
Các chủ đập thủy điện phải đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Bộ Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc Tập đoàn thực hiện các nội dung nói trên.
TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.