21 người thoát nạn trong vụ sạt lở ở Nam Trà My
T.H
(TBKTSG Online) - Trong đêm 29-10, lực lượng cứu hộ và các cơ quan chức năng đang tăng cường phương tiện để nhanh chóng tiếp cận với khu vực sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My.
Thủ tướng: Khẩn trương tiếp cận các nạn nhân trong vụ sạt lở tại Nam Trà My
Lực lượng chức năng khẩn trương thông đường vào khu vực sạt lở Trà Leng, Nam Trà My. Ảnh: TTXVN |
Vụ sạt lở Nam Trà My: 21 người ở hai xã Trà Leng và Trà Vân thoát nạn
Tối 29-10, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu cho biết có 21 người may mắn chạy thoát tại 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân huyện Nam Trà My.
Đây là 21 người trong số trong số 53 người được xem là mất tích như thông tin ban đầu.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4km đã đến được thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được 12 người bị thương nặng và 6 thi thể, đều là người dân ở thôn 1 xã Trà Leng.
Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.
"Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi," Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người còn đang mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.
Trong đêm 29-10, các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Quảng Trị: Núi Tà Bang nứt dài 200 m, di dời khẩn cấp 165 người dân
Tối 29-10, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan chức năng của địa phương đã triển khai lực lượng di dời khẩn cấp 32 hộ dân với 165 nhân khẩu nằm dưới chân núi Tà Bang thuộc thôn La Ri Lào, xã Hướng Sơn, huyện miền núi Hướng Hóa do trên đỉnh núi xuất hiện vết nứt lớn.
Theo nguồn tin của người dân, trên đỉnh núi Tà Bang xuất hiện một vết nứt dài có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm tính mạng và tài sản đối với những hộ dân sống bên dưới chân núi.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đi kiểm tra và phát hiện vết nứt dài khoảng 200 m, có chiều rộng khoảng 20-50 cm, dưới những vết nứt là khoảng trống sâu.
Trước thực trạng trên, chính quyền xã Hướng Sơn đã tiến hành di dời khẩn cấp 32 hộ dân với 165 nhân khẩu, thuộc vùng nguy hiểm nằm dưới chân núi Tà Bang đến nơi an toàn tránh nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.
Đồng thời, UBND xã Hướng Sơn đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Hướng Hóa có biện pháp di dời dân đến nơi ở khác sinh sống.
Hiện nay tuyến đường dẫn vào xã Hướng Sơn vẫn đang bị chia cắt do sạt lở, các phương tiện cơ giới vẫn chưa thể tiếp cận được.
Kon Tum: Cầu treo bị cuốn trôi, gần 1.500 người bị cô lập hoàn toàn
Ngày 29-10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cùng chính quyền huyện Kon Rẫy và lực lượng chức năng trong tỉnh đã đến hiện trường vụ cầu treo nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 9, khiến gần 1.500 người dân (438 hộ) trong xã Đăk Pne bị cô lập hoàn toàn.
Tại hiện trường, ngay đầu cầu, lực lượng chức năng của huyện đã căng dây, cảnh báo, không để người và phương tiện qua sông.
Sau khi nước lũ rút, sáng 29-10, một số hộ dân xã Đăk Pne đã chèo thuyền qua sông để mua thêm lương thực, thực phẩm.
Tổng hợp từ TTXVN, VTV
Xem thêm: lmth.ym-art-man-o-ol-tas-uv-gnort-nan-taoht-iougn-12/270013/nv.semitnogiaseht.www