Cái thời mà những quan chức trong liên đoàn cũng là lãnh đạo của đội bóng và cũng dây dưa với những liên minh. Chẳng hạn mùa 1995, khi năm đội đá vòng chung kết ngược tẩy chay bỏ giải thì có hai đội của hai ông phó chủ tịch VFF và hai đội của hai ông ủy viên Ban chấp hành VFF.
Dù điều hành bóng đá Việt Nam nhưng họ vẫn “liên minh ma quỷ”, phá bóng đá vì số phận và vì quyền lợi của đội bóng.
Cũng vì “liên minh ma quỷ” mà có giải vòng liên minh đấy lật kèo nhau xô nhau xuống hạng. Cụ thể là hai đội Hải Phòng và Lâm Đồng liên minh bắt tay nhau “lượt đi anh thắng, lượt về tôi thắng” nhưng rồi đến lượt về thì Lâm Đồng lật kèo, không trả điểm trực tiếp xô Hải Phòng rớt hạng.
Nam Định không chỉ bị các trọng tài cướp 8 điểm mà còn bị những liên minh cô lập chỉ điểm xuống hạng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Sau này chính những người trong cuộc thú nhận rằng chuyện phá kèo hủy liên minh là vì Hải Phòng khi ấy tay phải thì bắt với Lâm Đồng nhưng tay trái lại bắt với An Giang rồi cho điểm An Giang, gián tiếp đẩy “bạn hiền” vào thế nếu đúng kèo trả điểm cho Hải Phòng thì rớt hạng.
Nhắc đến chuyện bóng đá thời bao cấp để thấy rằng bây giờ dù bóng đá Việt Nam đã bước lên chuyên nghiệp 20 năm rồi nhưng vẫn có “ma quỷ” trong cuộc chơi ở V-League.
Cổ động viên Nam Định từng vây và đòi đánh một quan chức đội Quảng Nam khi phát hiện ra thành viên này rải bột ở cầu môn sân Thiên Trường. Chỉ là một loại bột màu không mùi, không vị nhưng cổ động viên Nam Định lại cho rằng đối thủ đang yểm cái sân nổi tiếng là chảo lửa thành Nam. Không biết có phải vì thứ bột đấy không mà đội Nam Định năm nay xui đủ kiểu. Họ bị trọng tài cướp trắng không dưới 8 điểm, trong đó đau nhất là 1 điểm trong trận chung kết ngược với chính Quảng Nam và đấy lại là 1 điểm mà nếu công bằng thì bây giờ họ đã cất cao bài ca trụ hạng chứ không phải thấp thỏm lo cho trận cầu “quỷ ma” trên sân Lạch Tray vào lượt cuối.
Còn nhớ hội thảo các ông bầu làm bóng đá do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sau mùa bóng 2012 (từ hội thảo này các ông bầu đề nghị tổ chức một đơn vị tổ chức giải chuyên nghiệp thay vì để VFF vừa đá bóng vừa thổi còi, từ đó VPF được thành lập), chính những ông bầu tâm huyết đều than thở về công tác trọng tài chỉ là một phần nhỏ do cái sai lớn nhất là lỗi hệ thống từ những nhà điều hành giải.
Bao giờ bóng đá Việt Nam mới giảm đi những trò “quỷ ma” từ những toan tính đè đi công sức của những tập thể nai lưng chơi bóng đá một cách tử tế nhưng luôn bị thiệt thòi?