Hội nghị bàn tròn là sự kiện thường kỳ được Tổng Giám đốc IMF tổ chức bên lề các Hội nghị Mùa xuân và Hội nghị Thường niên IMF/WB để thảo luận và lắng nghe ý kiến của các nước hội viên khu vực ASEAN đối với các khuôn khổ chính sách hiện hành của Quỹ. Hội nghị lần này nhằm thảo luận về Khuôn khổ Chính sách Tích hợp (Integrated Policy Framework) của IMF. IPF được IMF xây dựng và phát triển nhằm giúp các nước, nhất là các nước mới nổi và đang phát triển, đưa ra phản ứng chính sách phù hợp trước các cú sốc đối với nền kinh tế trên cơ sở phối hợp giữa các công cụ chính sách gồm chính sách tiền tệ, tỷ giá (bao gồm cả can thiệp ngoại hối), an toàn vĩ mô và quản lý dòng vốn. Hiện tại, IMF đang xem xét vai trò của chính sách tài khóa trong bộ công cụ chính sách ứng phó với khủng hoảng, trong đó nhấn mạnh tính chất phối hợp và bổ sung lẫn nhau giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc hoan nghênh và đánh giá cao IPF là công cụ giúp các nước xác định và xây dựng phản ứng chính sách tối ưu trước các cú sốc bất lợi tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, bản chất của cú sốc và diễn biến kinh tế, tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra và chưa có dấu hiệu chậm lại, việc thảo luận và xem xét sự kết hợp của các chính sách vĩ mô nhằm tìm ra sự kết hợp tối ưu của các chính sách có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia, đặc biệt là các NHTW. Phó Thống đốc nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng, vừa giúp ứng phó với khủng hoảng, vừa giúp tăng cường nền tảng kinh tế, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau khi khủng hoảng đi qua. Sự phối hợp này càng trở nên quan trọng trong một nền kinh tế nhỏ đang phát triển có độ mở lớn như Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng việc tích hợp chính sách tài khóa vào trong bộ công cụ chính sách chống khủng hoảng cần lưu tâm tới khía cạnh bền vững, củng cố tài khóa và bền vững nợ. Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ tài khóa cần đảm bảo được thực hiện cùng lúc với củng cố dư địa tài khóa và không làm gia tăng gánh nặng nợ. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cần được tăng cường qua hình thức tư vấn, đối thoại chính sách giữa các quốc gia và các thể chế tài chính quốc tế như IMF và các diễn đàn khác. Cơ chế phối hợp cả bên trong lẫn bên ngoài này sẽ việc thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa IMF với các nước, khu vực trong vấn đề này, có vai trò quan trọng, giúp tạo ra tác động cộng hưởng, góp phần làm tăng hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ cũng như các công cụ chính sách khác trong IPF, từ đó giúp các nền kinh tế ứng phó tốt hơn với khủng hoảng.
Cuối cùng, Phó Thống đốc cho rằng đại dịch sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu; trong đó bao gồm sự phát triển của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Sự ra đời và phát triển của tiền ảo/tiền kỹ thuật số là một xu thế ngày càng rõ nét, đặt ra những cơ hội và vấn đề, thách thức mới cho nền kinh tế, cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý và thanh tra, giám sát hệ thống tài chính. Phó Thống đốc kiến nghị IMF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nước ASEAN trong việc tăng cường công cụ chính sách, hoàn thiện khuôn khổ quản lý, thanh tra giám sát trong bối cảnh mới này.
HTQT
Ảnh: VA
Xem thêm: 354914VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www