Người dân Pháp tại một nhà hàng ở Paris nghe Tổng thống Macron thông báo tái phong tỏa toàn quốc trên truyền hình ngày 28-10 - Ảnh: Reuters
18h ngày 28-10 trên đường A86 ở thủ đô Paris, chúng tôi mắc kẹt trong một dòng kẹt xe kéo dài. Tình hình không khá hơn trên những cung đường vành đai, đường A6, A10... Tổng cộng đến hơn 260km kẹt xe xung quanh Paris vì người dân thành phố này đồng loạt tìm về các vùng quê, gia đình hay đến ngôi nhà thứ hai của họ.
Đây là khung cảnh giao thông hỗn loạn hai giờ trước khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố lệnh tái phong tỏa toàn quốc nhằm đối phó làn sóng COVID-19 lần thứ hai. Con số người chết vì đại dịch đang tăng dần lên từng ngày và hiện đã tiệm cận 500 người chết mỗi ngày, tức gần 1/3 so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3.
Người Paris, sau đợt phong tỏa lần thứ nhất, đã biết cuộc sống dưới lệnh phong tỏa khó khăn như thế nào và việc rời bỏ thành phố trong đợt phong tỏa lần thứ hai là lựa chọn của phần đông trong số hơn 2,1 triệu cư dân thành phố này.
Chịu đựng vài giờ kẹt xe để bỏ phố về quê vẫn không là vấn đề lớn nếu so với phải ở lại thủ đô. Sự cô đơn, tù túng, thiếu vắng các hoạt động xã hội, văn hóa, giải trí là những điều không thể chấp nhận được, đặc biệt khi tình hình kéo dài.
Mùa đông lạnh lẽo và khắc nghiệt đang đến, việc phải đối diện với sự không chắc chắn, nỗi lo sợ và không có bất kỳ ý thức gì về tương lai trong một siêu thành phố như Paris có lẽ sẽ là tình trạng thật chứ không chỉ là hình ảnh trong phim viễn tưởng về ngày tận thế.
Tổng hợp: ANH THƯ - Đồ họa: TUẤN ANH
Tuy nhiên, điều an ủi là lệnh tái phong tỏa được ban bố vẫn mang nhiều điểm linh hoạt. Gần như tất cả các lĩnh vực và đối tượng xã hội đều được xem xét kỹ lưỡng. Trường mẫu giáo, phổ thông, trung học, siêu thị, công viên vẫn mở, cùng với lời kêu gọi của ông Tổng thống Macron đến người dân hãy ở nhà nhiều nhất có thể và tuân thủ các nguyên tắc tự bảo vệ.
Người dân vẫn được phép rời nhà để dạo bộ và chơi thể thao trong giới hạn 60 phút. Tại trường đại học, tất cả các môn học lý thuyết và thực hành không cần dụng cụ sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Chế độ làm việc từ xa cũng được áp dụng bất cứ nơi nào có thể. Các công ty thương mại trong một số lĩnh vực vẫn được mở cửa. Thăm viếng người già hưu trí vẫn được cho phép. Tàu xe vẫn hoạt động đến chủ nhật này (1-11), và người đi du lịch đang trở về nhà cuối tuần này vẫn được chấp nhận.
Cho dù lệnh tái phong tỏa được xem như sự thất bại của các chính sách phòng ngừa và, theo các tính toán, sẽ gây ra tổn hại không nhỏ về kinh tế - xã hội, biện pháp này được hi vọng sẽ ngăn con số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt.
Pháp đang là một trong những điểm nóng thuộc tâm dịch châu Âu khi virus corona đang trỗi dậy mạnh mẽ, tìm cách hạ gục châu Âu một lần nữa. Ở Anh và Tây Ban Nha cũng đang diễn biến vô cùng xấu và các chính phủ châu Âu bắt đầu xem xét các biện pháp toàn phần hay một phần tương tự Pháp.
Khi viết những dòng này gửi Tuổi Trẻ, tôi còn 12 tiếng để chuẩn bị đi siêu thị mua lương thực tích trữ trước khi lệnh tái phong tỏa toàn quốc có hiệu lực. Đi siêu thị, tôi thấy nhiều gương mặt sợ hãi và một ca sĩ hát to "I WANNA GO HOMMMMMME... I WANNA GO HOMMMMMMME..." (Tôi muốn về nhà). Dĩ nhiên, tôi cũng muốn về nhà...
Nhưng dù thế nào, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn...
Các biện pháp phòng dịch mới ở châu Âu
- Pháp: tái phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 30-10 đến 1-12. Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, trường học và nơi làm việc vẫn mở cửa.
- Đức: tái bán phong tỏa từ ngày 2 đến 30-11, đóng cửa các quán bar, nhà hàng, nhà hát và phòng tập gym, vẫn mở cửa trường học, cửa hàng nhưng bị giới hạn số lượng ra vào.
- Ý: các hạn chế mới bắt đầu từ ngày 26-10 và có hiệu lực trong 1 tháng. Quán bar và nhà hàng đóng cửa trước 18h, phòng tập gym, hồ bơi, nhà hát và rạp chiếu phim đóng cửa, các sự kiện tập trung đông người bị cấm, trường học và nơi làm việc không đóng cửa.
- Tây Ban Nha: giới nghiêm toàn quốc từ ngày 25-10, người dân phải ở nhà từ 23h đến 6h.
- Hà Lan: phong tỏa một phần, đóng cửa quán bar và nhà hàng nhưng vẫn mở cửa trường học.
ANH THƯ
TTO - Các nước châu Âu đang đối mặt với sức ép lớn khi đợt dịch COVID-19 thứ 2 đang nhấn chìm khu vực, với một số dự đoán sẽ chết nhiều người hơn đợt đầu tiên.
Xem thêm: mth.54801448003010202-aot-gnohp-tad-pa-iat-pahp-coun-ihk-euq-ev-ohp-ob-sirap-iougn-ueihn/nv.ertiout