Theo báo cáo ngày 29/10 từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý 3/2020, thế giới bán ròng 12,1 tấn vàng với động lực chính đến từ các ngân hàng trung ương Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đây là lần đầu bán vàng đầu tiên trong khoảng một thập kỷ các ngân hàng này.
Cụ thể, lượng vàng bán ra trên toàn cầu trong quý 3 là 904,4 tấn, trong khi lượng mua vào là 892,3 tấn - giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ quý 3/2009 chủ yếu do nhu cầu vàng trang sức tiếp tục suy giảm.
"Không ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương quay sang kho dự trữ vàng của mình trong tình hình hiện tại", Bloomberg dẫn lời Louise Street, nhà phân tích trưởng tại WGC, cho biết. "Lượng vàng bán ra hầu hết đến từ các ngân hàng mua vàng từ nguồn trong nước để tận dụng giá cao trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn".
Tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhu cầu trang sức giảm 50%, trong khi đó, nhu cầu mặt hàng này tại Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Metals Focus, WGC nhận định nhu cầu vàng vật lý giảm đã được bù đắp một phần bởi nhu cầu từ các nhà đầu tư khi dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng tăng tới 21%.
"Không ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư vàng vẫn là nhân tố chính của thị trường vàng ở thời điểm hiện tại", Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu tại WGC, bình luận. "Thị trường vàng sẽ diễn biến theo đúng như chúng ta kỳ vọng khi thế giới tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vàng đang thực hiện đúng vai trò vốn có của nó".
Ông Artigas nhận định dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào các ETF vàng trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm một tài sản phòng ngừa rủi ro trước những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong quý 3, tổng nguồn cung vàng giảm 3% so với cùng kỳ do hoạt động khai thác tại các mỏ vàng vẫn bị đình trệ kể cả sau khi các lệnh phong tỏa và hạn chế phòng dịch Covid-19 ở một số nước như Nam Phi được gỡ bỏ.
Giá vàng tăng kỷ lục lên trên 2.075 USD/ounce hồi tháng 8, trước khi giảm xuống quanh mức 1.900 USD/ounce vài tuần gần đây.