Hơn 500 chiến sĩ được huy động để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Trà Leng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trà Leng (huyện Nam Trà My) ngày thứ ba sau vụ sạt lở vẫn ngổn ngang bùn đất, các tảng đá to bằng ngôi nhà nằm chỏng chơ ở ngôi làng trong khi vẫn còn 14 nạn nhân mất tích. Ở huyện Phước Sơn, lực lượng từ bên ngoài vẫn chưa thể tiếp cận vì đường vào bị sạt lở phong tỏa.
Đồ họa: T.ĐẠT
Tìm kiếm trong mưa, flycam quần thảo
Bước sang ngày thứ 2 của cuộc tìm kiếm gian truân bên dòng sông Trà Leng, lực lượng cứu hộ đã tìm được 2 thi thể, một người lớn và một trẻ em. Khi con đường dẫn vào xã Trà Leng vừa được thông xe sáng 30-10, rất đông người dân địa phương trong vùng đã tìm đến theo dõi cuộc cứu hộ bởi trong số những người bị nạn có người thân, bạn bè và là đồng bào cùng dân tộc với mình.
Dưới cơn mưa rừng tầm tã, những chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn với đôi tay trần cẩn trọng moi từng lớp đất đá bởi sợ làm đau người đang nằm bên dưới. Khi một cánh tay lộ ra dưới lớp bùn đất, các chiến sĩ tập trung lại khoanh vùng, nhấc các khối bêtông, hất các thanh gỗ để đưa ra khỏi đống đổ nát một nạn nhân đã 3 ngày nằm trong đất lạnh. Một chiếc băng ca đã để sẵn, các chiến sĩ tắm rửa cho nạn nhân rồi khiêng lên chân quả đồi ngay trong xóm. Những tiếng khóc nấc nghẹn, những giọt nước mắt ứa ra...
Với hi vọng tìm kiếm những người bị lũ cuốn dọc con sông Leng, lực lượng cứu hộ đã sử dụng flycam bay rà dọc dòng sông nhưng không đem lại kết quả. Chiều cùng ngày, flycam tiếp tục quần thảo những vị trí xa hơn để tìm kiếm các nạn nhân bị nước cuốn trôi. Trong khi đó, để phá các khối đất đá, mảng tường đổ sập và các thanh gỗ nằm ngổn ngang, lực lượng cứu hộ đã phải huy động xe múc, cưa sắt, cưa gỗ cấp tốc dọn hiện trường.
Tay chân lấm lem bùn đất, đại úy Bùi Quốc Tú (Trung đoàn 855) cho hay cuộc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn khi khối lượng đất đá lớn, có những đoạn bùn lún sâu trong khi địa bàn cách trở nên máy móc tìm kiếm hạn chế. Do đó việc tìm kiếm các nạn nhân chủ yếu dựa vào sức người khi các chiến sĩ trực tiếp đào bới từng lớp bùn đất.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - phó tư lệnh Quân khu 5 - cho biết dù trời mưa, điều kiện tìm kiếm khó khăn song các lực lượng vẫn rất nỗ lực để tìm kiếm bà con đang còn mất tích. Hiện có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng bao gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ... tích cực tìm kiếm. Ông Tiến đặt quyết tâm chậm nhất đến hôm nay 31-10 phải tìm kiếm hết các nạn nhân đang còn mất tích.
Ông Tiến cho hay huy động chó nghiệp vụ để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tìm kiếm. Lực lượng chức năng đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trong buổi tối tìm kiếm trong đêm.
Lực lượng chức năng ngày đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chưa tiếp cận được 3 xã ở Phước Sơn
Sáng qua 30-10, phóng viên Tuổi Trẻ cùng đoàn công tác do ông Nguyễn Mạnh Hà - trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - dẫn đầu đã trực tiếp thị sát để tìm phương án tiếp cận xã Phước Lộc. Tuyến đường ĐH2 vào công trình thủy điện Đăk Mi 2 như một bãi chiến trường với hàng chục điểm sạt lở ngập ngụa đất đá.
Tuyến đường ĐH2 bị sạt lở trầm trọng, lượng nước trên sông rất lớn, nước chảy xiết, việc cơ động trên sông không an toàn. Sở chỉ huy tiền phương tạm dừng và phải chờ nước rút mới tiếp tục tìm cách vào xã Phước Lộc và hiện trường sạt lở. "Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại vệ tinh với chủ tịch xã Phước Lộc, xã đã chôn cất 5 thi thể. Số còn mất tích thì lực lượng của xã đang tiếp tục tìm kiếm. Khu vực bị lũ quét dài trên 500m, rộng trên 100m, lượng đất đá vùi lấp ở đây rất lớn, phải huy động phương tiện máy móc đào bới mới khả thi" - ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, để đưa được máy móc vào là cả một vấn đề khó khăn. Với hiện trạng đường sá vậy, nếu trời không mưa thì nhanh nhất cũng hơn 1 tuần mới mở đường vào được. Nếu mưa, phải mất hàng tháng trời.
Lúc 20h tối qua 30-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Khánh - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Công ty cổ phần năng lượng Agrita Quảng Nam, chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 2 - cho biết trong ngày đã có khoảng 60 công nhân thi công thủy điện Đăk Mi 2 tự giải cứu bằng ròng rọc thoát ra khỏi nơi bị cô lập. Sau khi mực nước lũ hạ dần, từ sáng 30-10 các công nhân đã dùng dây cáp căng ngang sông Đăk Mi rồi kéo ròng rọc đưa từng người tự thoát ra khỏi khu vực cô lập. Đến chiều cùng ngày, do mưa lớn nên việc qua sông bằng ròng rọc dừng hẳn.
"Nhóm công nhân thoát ra trong hôm nay là công nhân ở vị trí trạm trộn bêtông và nhà máy thủy điện. Hiện còn khoảng 60 công nhân khác ở trên đập thủy điện Đăk Mi 2, trong ngày mai (31-10) họ sẽ di chuyển ra" - ông Khánh nói.
Tấm ảnh thẻ của ông Lê Hoàng Việt - bí thư đảng uỷ xã Trà Leng, mất tích trong vụ sạt lở, được tìm thấy - Ảnh: LÊ TRUNG
Người thân của công nhân mất tích lên thủy điện Rào Trăng 3
Sáng qua 30-10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa người thân của 10 công nhân đang còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 lên khu vực hiện trường vụ sạt lở để cùng với lực lượng chức năng tìm kiếm, nhận dạng người mất tích nếu tìm thấy thi thể.
Các máy xúc được huy động thêm vào hiện trường vụ sạt lở để mở rộng đường vào nơi nghi có người đang mất tích, đồng thời tiếp tục triển khai theo 3 hướng đào bới được xác định từ trước. Chó nghiệp vụ của lực lượng biên phòng cũng được đưa trở lại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm. Tuy nhiên đến cuối ngày 30-10, việc tìm kiếm 12 công nhân mất tích vẫn chưa có thêm kết quả.
Có mặt tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã động viên thân nhân những người bị nạn. Ông Thọ cũng yêu cầu lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải tận dụng thời gian, nhanh chóng tìm kiếm những người còn đang mất tích.
NHẬT LINH
Chiếc cặp da, tấm ảnh thẻ của bí thư xã
Chiếc cặp da của ông Lê Hoàng Việt - bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - được tìm thấy dưới đống đổ nát - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân theo dõi cuộc tìm kiếm xúc động khi lực lượng chức năng tìm thấy trong đống đổ nát chiếc cặp và tấm ảnh thẻ của ông Lê Hoàng Việt - bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - dưới lớp bùn đất lầy lội.
Thấy chiếc cặp và ảnh thẻ, bà Hồ Thị Bông, vợ ông Việt, đã khóc nức nở. Đến chiều cùng ngày, ông Việt vẫn chưa được tìm thấy.
Theo những người thoát chết kể lại, khi thấy sạt lở, ông Việt với vai trò là lãnh đạo của xã đã tất bật chạy ra ngoài đường la to để người dân biết mà chạy nạn và chính ông đã bị dòng sạt lở cuốn trôi.
TTO - Trong ngày 30-10, đã có thêm 2 thi thể mất tích được tìm thấy dưới đống đổ nát của vụ sạt lở. Lực lượng quân đội hỗ trợ gia đình các nạn nhân tổ chức mai táng ngay hai thi thể vừa tìm thấy trên sườn đồi phía trên hiện trường vụ sạt lở.
Xem thêm: mth.34933857013010202-hcit-tam-iougn-mit-cul-naot-cod/nv.ertiout