Sau khi được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu đề xuất nhiều chính sách mới.
Ðề xuất bảo lãnh cho DN hàng không vay 11.000 tỷ
Một trong những chính sách nổi bật được Bộ KH&ĐT đề xuất là nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các DN hàng không. Nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước được phép đầu tư vào các DN hàng không. Trong trường hợp này, cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DN.
“Dịch COVID-19 khiến DN hàng không giảm sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền và có thể gây mất khả năng thanh toán, phá sản. Nếu không có biện pháp đặc thù thì hệ lụy xảy ra có thể là rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc, cạnh tranh của ngành hàng không, hàng ngàn người lao động mất việc làm và sẽ tốn nguồn lực và chi phí lớn để phục hồi lại trạng thái trước dịch bệnh. Chính sách này sẽ giúp hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các DN hàng không. Tổng nguồn lực dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng là các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh dành cho các DN hàng không”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều quốc gia đã ban hành các gói hỗ trợ dành riêng cho ngành hàng không. Mỹ ban hành gói hỗ trợ 58 tỷ USD; Đức dành 9 tỷ euro mua cổ phần của Lufthansa để tránh việc hãng này phá sản hoặc bị thâu tóm, bảo vệ hàng ngàn lao động khỏi thất nghiệp…
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề xuất giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021. Chính sách này góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các DN hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm khoảng 2,46 nghìn tỷ đồng và có thể tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2021.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) nói, nếu không có các khoản vay ngắn hạn mới, tới nay VNA đã hết tiền mặt.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc VietJet cho biết, ngoài các chính sách miễn giảm thuế, phí, bà hy vọng sẽ có các gói vay ưu đãi cho DN hàng không.
Giảm 80% tiền ký quỹ của DN lữ hành
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm. Chính sách này nhằm tạo dòng tiền vào, giúp DN duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Khoản tiền ký quỹ từ 100 đến 500 triệu đồng (tùy thuộc loại hình kinh doanh) nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành. Do đó giảm tiền ký quỹ không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước. Theo số liệu sơ bộ, hiện tại có 2.667 DN kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 500 DN được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa năm 2019. Nếu được đưa vào thực thi, chính sách này sẽ ngay lập tức tạo dòng tiền vào cho DN lữ hành, hỗ trợ khó khăn, giúp DN duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Đồng thời, chính sách này không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất cho lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng (tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất).
Theo đại diện VNA, Nhà nước là chủ sở hữu 86% cổ phần của hãng, trên cương vị cổ đông lớn có chính sách hỗ trợ cũng là phù hợp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất được đề xuất là Nhà nước cho VNA vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và tăng vốn chủ sở hữu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Quỳnh Nga - Lê Hữu Việt
Tiền phong
Xem thêm: nhc.87171048013010202-hcil-ud-gnohk-gnah-ohc-gnurt-pat-2-nal-et-hnik-hciht-hcik-iog/nv.zibefac