Nhập nhèm nguồn gốc
Trước Trường tiểu học Bình Giã (Q.Tân Bình), có ba điểm chuyên bán đủ loại bánh kẹo, đồ chơi cho học sinh được nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan… Xen lẫn các loại bánh kẹo này là những hộp thuốc lá mini với chữ “smoke candy”, được người bán giới thiệu là “kẹo thuốc lá”, đang được nhiều học sinh ưa chuộng.
“Kẹo thuốc lá” được bán đầy trước các cổng trường |
Loại “kẹo thuốc lá” này có bao bì bên ngoài giống gói thuốc lá của các nhãn hiệu nổi tiếng, bên trong mỗi gói có năm que kẹo được làm như hình điếu thuốc lá. Sản phẩm có mã vạch thể hiện sản xuất tại Trung Quốc, trên sản phẩm không có thông tin nhà nhập khẩu, phân phối.
Ngoài “kẹo thuốc lá”, đủ loại bánh kẹo có hình dạng ma quái được bán công khai quanh nhiều trường học. Người bán cho biết, đó là sản phẩm phục vụ mùa Halloween sắp tới.
Tại các điểm bán trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình) và Bùi Minh Trực (Q.3), chúng tôi được giới thiệu đủ loại kẹo xốp dẻo có hình thù ma quái như: hình con mắt với các gân máu đỏ, khúc xương, kẹo kèm bộ răng nanh nhựa (khi ăn sẽ nhuộm lưỡi đỏ chót để làm ma cà rồng)…
Độ “giống như thật” của các loại kẹo này không khác các hình ảnh bạo lực trong phim kinh dị. Theo người bán, đây là loại kẹo được đông đảo học sinh ưa thích vì khá độc, lạ, giá chỉ 1.000 đồng/viên. Trên bao bì sản phẩm không có bất cứ thông tin nào ngoài chữ “P.R.C”, viết tắt của cụm từ People’s Republic of China, tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Do cơ sở nhỏ lẻ sản xuất
Chia sẻ với chúng tôi, một chủ doanh nghiệp người Trung Quốc cho biết, lưu hành tại Trung Quốc, sản phẩm bánh kẹo phải có đầy đủ thông tin và địa chỉ nơi sản xuất, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm in trên bao bì. Sản phẩm “kẹo thuốc lá”, kẹo có hình thù ma quái được bán ở TPHCM là do các cơ sở nhỏ lẻ tại Trung Quốc sản xuất riêng cho thị trường dễ dãi như Việt Nam, nên thông tin trên sản phẩm mới sơ sài như vậy. Ở Trung Quốc, người ta gọi sản phẩm kiểu này là thực phẩm bẩn. Trên bao bì các loại kẹo này chỉ ghi chung chung về thành phần là dextrose (đường đơn), food additives (phụ gia thực phẩm), một số loại màu thực phẩm như đỏ, vàng, xanh.
Nhiều loại kẹo có hình thù ma quái hoặc kèm các đồ chơi ma quái đượ c bán đầy quanh trường học |
Tiến sĩ Phan Thế Đồng (Trường đại học Hoa Sen) cho biết, các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc được trẻ nhỏ “mê” là do ngon. Nhưng để ngon (thơm, giòn, dai, để lâu) và có giá rẻ, chắc chắn phải có nhiều chất phụ gia như phẩm màu, chất tạo mùi hương, chất bảo quản. Sẽ rất nguy hiểm nếu không rõ các chất phụ gia và màu trong sản phẩm là gì, bởi có nhiều chất phụ gia và chất tạo màu bị cấm sử dụng do có chứa thuộc tính gây ung thư. Những hóa chất này khi vào cơ thể không gây ngộ độc cấp tính mà sẽ gây ngộ độc mạn tính về sau. Khi trẻ phát triển hoặc trưởng thành, bệnh mới bùng phát, thường gặp là dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa, rối loạn chức năng gan, thận, ung thư…
Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã cảnh báo, đường đơn được cơ thể hấp thu rất nhanh. Việc hấp thu nhiều dextrose dễ dẫn tới béo phì, mụn trứng cá, các vấn đề về da, bệnh tim mạch, đái tháo đường và cả chứng suy nhược cơ thể. Sử dụng vượt quá liều quy định có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đường huyết cao, nồng độ ma-giê và phốt-pho trong máu thấp.
“Kẹo thuốc lá” theo cảnh báo của Công an Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội, là một hình thức quảng cáo cho thuốc lá tiếp cận học sinh, từ đó hình thành thói quen, sở thích hút thuốc lá.
Các loại kẹo mang hình thù ma quái được quảng cáo là sản phẩm dành cho mùa lễ hội Halloween nhưng lại được bán quanh năm trước cổng trường. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, trẻ ăn hoặc chơi các loại kẹo này sẽ tác động xấu đến tâm hồn, nhân cách, khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Vào năm 2011, cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện 500 loại sản phẩm của 155 nhà sản xuất đồ uống, bánh kẹo tại Đài Loan có chứa DEHP - một chất được xếp vào nhóm độc dược thứ tư (loại độc dược gây ô nhiễm môi trường và gây hại tới sức khỏe con người), bị nghiêm cấm dùng trong thực phẩm vì gây dậy thì sớm, thậm chí ung thư. Cơ quan y tế Đài Loan đã thông báo đến các nước nhập khẩu sản phẩm này, trong đó có Việt Nam. Sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM (nay là Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM) cũng lấy mẫu một số loại kẹo xốp, 16 loại si-rô nhập khẩu từ Đài Loan để kiểm nghiệm, phát hiện có chứa DEHP.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng chục tấn bánh kẹo nhập khẩu không rõ nguồn gốc nhưng chủ yếu tại các cửa khẩu, ít kiểm tra khi sản phẩm được bày bán trên thị trường, đặc biệt là quanh các trường học.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.2980241a-coh-gnourt-yav-aub-ion-iort-iauq-am-oek-neewollah-aum/nv.moc.enilnounuhp.www