Trung Quốc thành tâm điểm
Hôm 13-10, tờ South China Morning Post dẫn lời tổng thống Mỹ Donald Trump nói với đám đông ủng hộ ông ở thành phố Johnstown, bang Pennsylvania - bang phân bổ tới 20 phiếu đại cử tri rằng: “Cuộc bầu cử này là một sự lựa chọn đơn giản. Nếu Joe Biden thắng thì Trung Quốc thắng. Tất cả những quốc gia khác đều thắng”.
Ở chiến tuyến bên kia, ông Biden cũng liên tục đề cập về Trung Quốc. Hôm 23-9 phát biểu vận động ở bang Delaware, Biden khẳng định: “Tôi sẽ có động thái kiên quyết đối với Trung Quốc. Các phân tích gần đây chỉ ra rằng Trung Quốc biết tôi sẽ rất thẳng thắn nhưng họ cũng lo ngại rằng tôi sẽ cứng rắn. Và tôi không phủ nhận điều đó”. Biden cáo buộc Trump bằng việc làm suy yếu quan hệ với các đồng minh của Mỹ đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Trump trong khi đó chỉ trích Biden quá “mềm mỏng” với Bắc Kinh.
Trong nhiệm kỳ của mình, Trump sử dụng dàn cố vấn “diều hâu” chống Bắc Kinh kịch liệt. Trong số đó có thể kể đến ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người luôn tung ra những phát ngôn khiến Trung Quốc giận dữ hay Peter Navarro – Giám đốc Hội đồng thương mại Quốc gia Nhà Trắng, là đồng tác giả của cuốn sách Chết bởi Trung Quốc, trong đó cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các chính sách giao thương lạm dụng, thao túng tiền tệ, sử dụng lao động nô lệ hay tiếp tay sản xuất các sản phẩm tiêu dùng kém chất lượng, gây nguy hại đến sức khoẻ cộng đồng.
Dưới trào của Trump, Trung Quốc trở thành tâm điểm đối ngoại: Ông tiến hành cuộc thương chiến áp thuế nặng lên hàng hoá Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh dung túng cho hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ, đòi các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường. Trump cũng phát động cuộc chiến công nghệ nhắm vào các công ty tiên phong của Trung Quốc như Huawei bằng cách cấm họ sử dụng chip sản xuất bằng công nghệ bán dẫn của Mỹ.
Dịch Covid-19, Trump đổ trách nhiệm cho Bắc Kinh đã để dịch lan toàn cầu đồng thời phát động chiến dịch chuyển dịch chuỗi sản xuất khỏi nước này. Căng thẳng Mỹ - Trung cũng được đẩy lên tại các “mặt trận” như Đài Loan, Hong Kong hay Biển Đông. Đã có lúc giới nghiên cứu quốc tế bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.
Trung Quốc nay đã “khác xưa”. Hơn 4 thập kỷ trước khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon “phá băng” quan hệ bằng chuyến thăm đến thăm Bắc Kinh năm 1972, nước này khi đó hãy còn nghèo, đói. Từ sau năm 1979 khi Bắc Kinh tiến hành mở cửa kinh tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, đến nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Thế giới với việc lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chính, trở thành “công xưởng toàn cầu” nơi từng đôi giày, máy tính, điện thoại cho đến chiếc mũ in chữ trắng trên nền đỏ với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng được sản xuất ở Trung Quốc nốt.
Trump cáo buộc các công xưởng đặt ở Trung Quốc là nguyên do chính đẩy hàng triệu việc làm vụt khỏi tay người Mỹ. Trong suốt nhiệm kỳ, ông liên tục thúc ép các công ty chuyển nhà máy về nước đồng thời bài Trung trên nhiều mặt trận. Trung Quốc nay đã trở thành một cường quốc đang trỗi dậy trong mắt người dân và giới chức Mỹ, đe doạ vị thế siêu cường truyền thống cũng như vai trò toàn cầu của Washington, mặc nhiên biến nó trở thành chủ đề nóng trong tranh cử.
Lu mờ vai trò dẫn dắt toàn cầu
Sự trỗi dậy của Trung Quốc kết hợp với biến cố bất ngờ là dịch Covid-19 đang khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ngày càng lu mờ. Trong bài viết nhan đề “Nỗi buồn và niềm tin về một nước Mỹ lãnh đạo Thế giới đang mất đi” đăng trên tờ New York Times tháng 4-2020 nhận định: Đại dịch Covid-19 đang làm lung lay những giả định nền tảng về chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ. Đây có lẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên trong hơn một thế kỷ mà không ai thèm tìm kiếm vai trò dẫn dắt Thế giới của Washington.
Khi hình ảnh về những khu bệnh viện quá tải bệnh nhân của nước Mỹ và những hàng người thất nghiệp xếp hàng dài ở Mỹ lan đi khắp nơi, những người Châu Âu nhìn về quốc gia giàu có và quyền lực nhất trên Thế giới với một sự hoài nghi tột độ. “Khi mọi người nhìn thấy những bức ảnh này về thành phố New York, họ thốt lên “Làm sao điều này có thể xảy ra?” - Henrik Enderlein, Chủ tịch của Trường đại học Hertie có trụ sở tại Berlin, Đức chuyên đào tạo lĩnh vực chính sách công, cho biết. “Tất cả chúng tôi đều choáng váng. Nhìn những dòng người thất nghiệp. 22 triệu người ”- ông nói.
Bài báo chỉ ra sở dĩ có sự hỗn loạn này vì 2 nguyên do: Một là sự lãnh đạo thất thường của ông Trump, người đánh giá cao bản thân và thường từ chối làm theo lời khuyên của các cố vấn khoa học. Hai là sự thiếu vắng của một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ.
Ricardo Hausmann đến từ Trung tâm Phát triển Quốc tế của Đại học Harvard nhận định: Giờ đây Mỹ không chỉ lu mờ vai trò dẫn dắt Thế giới khi dịch đến mà còn khiến chính người dân của chính mình thất vọng.
Sau khi Thế chiến Thứ hai và sau đó là Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thế giới đã chứng kiến sự phát triển thần kỳ của các nền kinh tế ở khu vực Đông Á, tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Một Châu Á ngày càng năng động và trở thành động lực phát triển của toàn cầu. Nga thì từ thời Putin lên nắm quyền đang ngày càng tìm cách trở lại vai trò cường quốc trước đây. Châu Âu cũng là một cực tăng trưởng kinh tế lớn khiến Thế giới từ đơn cực (Mỹ là siêu cường dẫn dắt), trở thành đa cực hơn (nhiều trung tâm kinh tế, quân sự chi phối Thế giới như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ)…
Những yếu tố đó tạo ra cho Mỹ thách thức đối ngoại ngày càng phức tạp hơn bên cạnh những vấn đề đối nội nóng bỏng. Tất cả hoà quyện, tạo ra bức tranh đa diện trước thềm cuộc bầu cử buộc cử tri phải cân nhắc trong lựa chọn lá phiếu của mình.
Xem thêm: lmth.342201_tad-nad-ort-iav-om-ul-ym-iouc-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc