Bà Hoàng Thị Ngọ bật khóc khóc khi trở về nhà và thấy cảnh nhiều tài sản hư hỏng do nước lũ nhấn chìm - Ảnh: DOÃN HÒA
Sống quá nửa đời người trong căn nhà lụp xụp nằm gần sông Giăng, bà Hoàng Thị Ngọ, 67 tuổi, ngụ thôn Đức Thịnh, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An, chẳng thể ngờ con sông vốn hiền hòa lại trở nên hung dữ khi mưa dồn dập trút xuống.
Vốn đi lại khó khăn vì bị gãy chân một năm trước, con cái lại đi làm ăn xa, khi nước dâng vào nhà trong đêm, bà Ngọ chỉ kịp ôm con chó rồi chạy lên trụ sở xã trú tạm.
Quá trưa ngày 31-10, trở về nhà sau một đêm tránh lũ, thấy căn nhà tan hoang, phủ một lớp bùn non dày đặc, bà Ngọ đứng không vững. "Nửa giờ đồng hồ, lũ lên cả mét. Tôi không kịp đưa gì ra ngoài, giờ thì trắng tay", bà nghẹn ngào nói.
Cách nhà bà Ngọ không xa, ông Nguyễn Đình Tiến cũng đang lúi húi nhặt mấy bộ quần áo trong lớp bùn non đem phơi. Trong nhà, vợ ông lựa chiếc nồi cơm điện mắc kẹt ở góc cửa. Gương mặt thẫn thờ, ông Tiến nói rằng đây là trận lụt lịch sử kể từ năm 1978, nước lũ lên rất nhanh, bốn người trong nhà chỉ kịp sơ tán đến nơi cao, tài sản trong nhà đành bỏ lại hết.
Vệt nước còn hằn trên mái nhà dân. Lúc cao điểm, nước lũ dâng ngập nhiều mái nhà dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Hoàng Phạm Thọ cho hay mưa lớn trong hai ngày qua đã làm 800 ngôi nhà chìm trong nước, hơn 300 gia đình phải sơ tán đến nơi cao như trụ sở UBND xã, trạm y tế xã.
"Trong hai ngày địa phương đã phối hợp với các cấp, các nhà hảo tâm khảo sát, phân bổ, trao hàng cứu trợ là các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, nước sạch cho các hộ gia đình bị ngập nước, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống bình thường trở lại", ông Thọ chia sẻ.
Tại "rốn lũ" Thanh Mỹ - địa phương có hàng trăm nhà dân ngập tới nóc trong đợt mưa lũ vừa qua, tranh thủ nước rút đến đâu, người dân cũng vệ sinh nhà cửa, thu dọn các đồ đạc, tài sản bị hư hại.
Ông Lê Đình Thanh - phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 7 xã có nhiều nhà dân đang bị ngập nước, chủ yếu ở xã Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Tùng... là các vùng trũng, nước rút chậm.
Theo thống kê của văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến ngày 31-10 mưa lũ ở tỉnh này đã làm 3 người chết, 3 người mất tích; hơn 16.400 nhà dân bị ngập, trong đó hơn 8.300 hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất.
Một căn nhà của người dân bị mưa lũ đánh sập - Ảnh: DOÃN HÒA
Mệt mỏi trở về nhà sau đêm trắng chạy đi tránh lũ, nhiều người dân vùng lũ Thanh Chương, Nghệ An ứa nước mắt khi nhiều tài sản bị nước lũ nhấn chìm - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ - Ảnh: DOÃN HÒA
Đậu ngâm nước lũ nảy mầm - Ảnh: DOÃN HÒA
Chưa có điện lưới nên người dân dùng máy bơm dã chiến để bơm nước dọn dẹp nhà cửa - Ảnh: DOÃN HÒA
Một căn nhà bị nước lũ mang bùn tràn vào nhà - Ảnh: DOÃN HÒA
Một đàn heo được người dân đưa lên tránh lũ ở trụ sở UBND xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều 31-10, tại Thanh Chương, Nghệ An vẫn mưa rất lớn - Ảnh: DOÃN HÒA
TTO - Nước lũ dâng nhanh chỉ trong vài giờ đồng hồ làm bà con xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An không kịp trở tay. Các thuyền cứu hộ rọi đèn trong đến từng nhà đưa người dân đi sơ tán.
Xem thêm: mth.60950128113010202-ig-noc-gnahc-oig-av-tav-man-ac-ul-yahc-gnart-med-uas-ahn-ev/nv.ertiout