Tại kỳ họp Quốc hội, khi thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng “gần đây có một số người nổi danh suốt ngày chửi người này người kia, nói năng thô tục, bậy bạ, đó là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị”. Còn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khi nói về hiện tượng trên đã nhấn mạnh: Đó là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, nói: Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, viết gì thì viết, mà phải trong khuôn khổ luật pháp.
Nhầm tưởng tài khoản mạng là của riêng mình
. Phóng viên: Thiếu tướng có thể chia sẻ đánh giá của mình về tình trạng các cá nhân sử dụng các tính năng của mạng xã hội (MXH) như phát sóng trực tiếp (livestream) có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận
+ Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận: Cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, MXH đã trở thành diễn đàn chung của cộng đồng. Môi trường rộng lớn, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian nên các chủ thể khi tham gia phải có trách nhiệm với hành vi của mình trên các trang MXH và phải chịu trách nhiệm khi hành vi đó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác.
Quyền tự do ngôn luận của công dân được quy định tại Điều 25 của hiến pháp. Tuy nhiên, hiến pháp còn bảo đảm các lợi ích khác của cá nhân, xã hội như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
15 trường hợp bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt hành chính từ tháng 4 đến tháng 8-2021 với tổng số tiền 122,5 triệu đồng. Sở TT&TT TP cũng đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản MXH, 182 video trên kênh YouTube, 17 video trên ứng dụng TikTok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc. |
Vì vậy, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết, mà tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác cũng được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Các hành vi phát tán, chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên MXH tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155, Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015.
Người vi phạm còn phải bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật, nếu có.
Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm việc với chủ tài khoản Facebook
đăng thông tin giả mạo. Ảnh: N.DO
. Thực tế, một số cá nhân vẫn bất chấp mọi quy định của pháp luật để sử dụng MXH thành công cụ để xúc phạm người khác?
+ Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên qua theo dõi, phân tích thì tập trung vào một số nguyên nhân.
Đó là các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng MXH để tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Và cũng có nhiều người lầm tưởng rằng các trang MXH như YouTube, Facebook, Instagram, Zalo… là của riêng mình nên đăng tải mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bực bội, uất ức lên đấy để giải tỏa như là tâm sự riêng.
Ở góc độ lợi ích kinh tế, đây là môi trường kinh doanh chưa có sự quản lý chặt; không cần công lao động nhiều, mức thu nhập tỉ lệ thuận với quảng cáo khi tài khoản có nhiều người theo dõi, tương tác, đồng thời là nơi thể hiện đối với một số cá nhân muốn nổi tiếng trên cộng đồng mạng.
Về hiệu ứng, MXH không giới hạn địa giới hành chính nên nhiều người sử dụng nó để phát tán, chia sẻ thông tin để hướng lái dư luận theo ý đồ cá nhân. Nhiều người không cần kiểm chứng tính chính xác của thông tin nhưng vẫn chia sẻ, đồng tình với những thông tin sai sự thật, thậm chí còn cổ vũ cho các hành vi sai trái.
Mặt khác, hiện nay sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, hệ thống máy chủ thường ở nước ngoài nên việc phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên MXH còn những khó khăn nhất định, dẫn đến nhiều người có hành vi vi phạm nhưng chưa bị xử lý, tạo cho người sử dụng có “cảm giác an toàn” khi thực hiện các hành vi vi phạm trên MXH.
Yêu cầu nhà mạng tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam
. Ở địa bàn Cần Thơ, thực tế xử lý việc lợi dụng MXH để phạm tội của Công an TP trong thời gian qua ra sao?
+ Từ đầu năm 2019 đến nay (từ 1-1-2019, Luật An ninh mạng có hiệu lực), Công an TP Cần Thơ đã phối hợp với Sở TT&TT phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ việc.
Chủ yếu tập trung vào các hành vi đăng tải, chia sẻ nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân và đăng tin giả về tình hình an ninh trật tự, trong đó răn đe, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ hàng trăm bài viết, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 người.
Với các trường hợp vi phạm ở địa phương khác, Công an TP phối hợp chuyển hồ sơ cho công an địa phương khác xử lý theo thẩm quyền.
Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ cũng đã khởi tố 12 vụ án (17 bị can) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những bị can này đã có hành vi đăng tải, chia sẻ trên trang MXH các bài viết, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân, nói xấu Đảng, Nhà nước… Trong đó, công an khởi tố bốn bị can trong nhóm “Báo Sạch” về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (ngày 28-10, tòa phạt các bị cáo từ 24 đến 54 tháng tù).
Ở Cần Thơ, việc điều tra, khởi tố, đưa ra truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng phạm tội trên không gian mạng đã kịp thời định hướng tuyên truyền cho người dân, nâng cao nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa, làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của TP.
. Từ thực tiễn xử lý của Cần Thơ và trong bối cảnh chung của cả nước hiện nay, theo Thiếu tướng, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng sử dụng MXH để livestream, chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung phản cảm, thô tục, thậm chí vu khống, xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức?
+ Theo tôi, đầu tiên phải nâng cao các biện pháp tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng biết về bản chất của MXH, các giá trị cũng như tác hại của MXH nếu lạm dụng và lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt phải tuyên truyền sâu rộng về các hành vi nghiêm cấm trên MXH cũng như hậu quả pháp lý mà người sử dụng có thể phải gánh chịu nếu vi phạm.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu các MXH được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cần chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Phải có những khuyến cáo đến người dùng và định kỳ hiện lên trang để cảnh báo cho người dùng về những vi phạm, đồng thời phối hợp với các công ty cung cấp ứng dụng và các công ty viễn thông, công ty cung cấp hạ tầng mạng Internet ngừng cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức vi phạm khi cần thiết.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hoạt động trên Internet, MXH phù hợp với sự phát triển chung của khoa học công nghệ và truyền thống, đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Các cơ quan chức năng cần chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo mức độ vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và MXH để răn đe, giáo dục chung đối với toàn xã hội.
. Xin cám ơn Thiếu tướng.•
Sẽ xử nghiêm việc xúc phạm vô căn cứ trên mạng Những người bị xúc phạm vô căn cứ, không đúng sự thật trên MXH thì cần phải gửi đơn cho các cơ quan chức năng, không nên đôi co trên mạng vì việc này sẽ trở thành văn hóa xấu. Việc gửi đơn cũng giúp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và tới đây sẽ tiếp tục xử lý nghiêm. Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, chia sẻ vào chiều 27-10, bên hành lang kỳ họp thứ hai của Quốc hội. |