Cuối cùng thì dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng đủ điều kiện đưa vào khai thác và sẽ bàn giao cho Hà Nội. Hà Nội cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận và đưa vào vận hành.
Chiều 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã họp và chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Miễn toàn bộ vé 15 ngày đầu chạy tàu
Chiều 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã họp và chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Tại cuộc họp, tất cả 9 thành viên của hội đồng đều chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của Bộ GTVT để đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác giai đoạn đầu. Như vậy, tuyến đường sắt này đã đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Văn Viện: “Hiện nay, Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận và đưa vào vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn đầu. Nhiều tháng qua, UBND TP Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT để chuẩn bị những điều kiện cần thiết. Theo đánh giá, cơ bản các điều kiện dã được thực hiện đầy đủ”.
Ông Viện cho biết, trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định ban hành giá vé vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại, TP sẽ miễn phí để người dân làm quen, trải nghiệm.
Sau đó mới tiến hành thu với giá vé lượt từ trên 7.000 đồng cho đến 15.000 đồng tùy theo cự ly di chuyển. Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Muộn nhất ngày 10/11, Bộ GTVT phải bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội để khai thác thương mại.
Ngoài ra, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có thể mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá giảm là 140.000 đồng/người/tháng.
“Với hành khách là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo thành phố, sẽ được miễn phí. Đặc biệt lần đầu tiên, hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội thực hiện bán vé theo ngày. Theo đó với giá vé 30.000 đồng/người/ngày, hành khách có thể di chuyển trên đường sắt đô thị không kể số lượt trong ngày”, ông Viện cho hay.
Giá vé đi tàu đường sắt đô thị đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).
Hanoi Metro sẵn sàng phương án khai thác
Cũng theo ông Vũ Văn Viện, Sở GTVT TP Hà Nội đã rà soát tất cả điều kiện, đồng thời phối hợp để kết nối dịch vụ vận tải hành khách công cộng khác nhằm đảm bảo cung cấp cũng như giải tòa hành khách tại các nhà ga đặc biệt nhà ga Cát Linh, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi nhất cho người dân tham gia giao thông bằng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội.
Công tác rà soát, chuẩn bị nhân lực, điều kiện đảm bảo vận hành thực tế và các phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác đang được triển khai nhanh chóng.
“Hội đồng kiểm tra nhà nước yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức khai thác theo đúng quy trình vận hành, biểu đồ chạy tàu đã được phê duyệt. Từng bước nâng cao sự thành thục của nhân viên vận hành. Hướng dẫn người dân trong giai đoạn đầu khai thác, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân làm quen với loại hình giao thông mới nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả của dự án”, ông Viện cho biết.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết: Toàn bộ nhân sự vận hành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẵn sàng vào vị trí để vận hành theo kế hoạch.
Về kế hoạch khai thác cụ thể, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết: Toàn bộ nhân sự vận hành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẵn sàng vào vị trí để vận hành theo kế hoạch.
Việc vận hành năm đầu tiên được xây dựng trên cơ sở chủ đầu tư phối hợp với đơn vị vận hành báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Thời gian vận hành giai đoạn đầu còn có các chuyên gia bảo hành của nhà sản xuất và chuyên gia tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành của Công ty hỗ trợ, hướng dẫn để tăng cường tính thuần thục của đội ngũ nhân sự vận hành tuyến.
“Công ty đã tổ chức ôn luyện, sát hạch và cấp chứng chỉ cho các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. 100% nhân sự vận hành được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”, ông Ngọc thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, thời gian vừa qua, dưới sự hướng dẫn từ chuyên gia Tư vấn quản lý vận hành của Công ty đã rà soát, cập nhật các quy trình vận hành, bảo trì dự án và biên soạn ngân hàng câu hỏi để kiểm tra năng lực toàn bộ số nhân sự vận hành.
“Trong tháng 9, đầu tháng 10/2021, Công ty đã tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá cho toàn bộ số nhân sự trực tiếp vận hành, kết quả đến nay 100% đã đạt yêu cầu”, ông Ngọc cho hay.
Vừa khai thác, vừa xử lý vướng mắc, hoàn thiện các khuyến cáo
Dù cấp Chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông đảm bảo đủ điều kiện khai thác, nhưng tư vấn ACT (Pháp) vẫn “đính kèm” 16 khuyến cáo để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội. Dự án đã thực hiện hơn 1 thập niên với hàng chục lần lần lỡ hẹn, đội vốn lên 30-40% cuối cùng cũng đã được chấp thuận đưa vào khai thác.
Trong các khuyến cáo của Tư vấn ACT, có 7/16 nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đường sắt), các nội dung này đã có bản hoàn thành; đơn vị nhận vận hành khai thác (UBND TP.Hà Nội) cần phối hợp thực hiện 9/16 nội dung, một số nội dung đã hoàn thành, và cam kết thực hiện 4 nội dung đầu tư thêm trong giai đoạn khai thác nằm ngoài thiết kế.
Với các khuyến cáo phải tiếp tục hoàn thiện trong quá trình khai thác, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản cam kết thực hiện, gồm: Bổ sung giải pháp hỗ trợ người khuyết tật; đầu tư hệ thống rào chắn ke ga (khoảng giữa đoàn tàu và vị trí khách đứng chờ); Cải tiến hệ thống cửa riêng để cấp khí tươi cho hệ thống điều hòa thông gió; Cải tiến hệ thống cửa và tay cầm mở khẩn cấp…
Một số nội dung khuyến cáo của Tư vấn ACT đã hoàn thành như: Chứng nhận phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đánh giá an toàn bước 2 với hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và diễn tập tại hiện trường; Bổ sung chỉ dẫn cho người khuyết tật; Bổ sung biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Sự sẵn sàng vận hành như tăng nhân sự hướng dẫn khách, bổ sung quy trình vận hành, diễn tập ứng phó khẩn cấp.../.
Phi Long
VOV