vĐồng tin tức tài chính 365

Miền Tây trước nguy cơ bùng dịch trong cộng đồng

2021-11-01 09:50

Trong cuộc họp với 19 tỉnh, thành phía Nam vào chiều 26-10 vừa qua, Bộ Y tế đánh giá sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội tại các tỉnh, TP khu vực phía Nam đã ghi nhận số lượng lớn người dân di chuyển từ các địa phương đang có dịch trở về các địa phương khác trong cả nước, trong đó có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ca mắc tăng, dịch lan ra cộng đồng

Báo cáo của Bộ Y tế cũng ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến khó lường, tình trạng dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo, nhất là tại các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp và giao lưu lớn.

Chỉ sáu ngày sau cuộc họp đánh giá nói trên, ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM tại các tỉnh, thành miền Tây như Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ... ca mắc cộng đồng tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Miền Tây trước nguy cơ bùng dịch trong cộng đồng - ảnh 1
Hậu Giang lập điểm kiểm tra khai báo y tế tại cửa ngõ vào địa bàn tỉnh.
Ảnh: CHÂU ANH

Bạc Liêu và Cà Mau thiếu trang thiết bị y tế phòng chống dịch

Ngày 30-10, chủ tịch hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đồng lên tiếng hai địa phương này đang rất thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19, cần sự hỗ trợ từ trung ương, các tỉnh và xã hội.

Lãnh đạo TP Bạc Liêu cho biết tỉnh đã chuẩn bị thêm các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại Trường THPT Bạc Liêu với 250 giường; tòa nhà cũ của Công ty Điện lực Bạc Liêu với khoảng 200 giường. 

Một trong những địa phương có số ca mắc mới tăng đột biến là Bạc Liêu. Theo thống kê, nếu như lũy kế số ca mắc của tỉnh này từ ngày 27-4 đến ngày 25-10 là 1.675 ca và chín trường hợp tử vong thì chỉ trong sáu ngày từ 26 đến 31-10, tỉnh này ghi nhận 1.567 ca mắc mới, 17 trường hợp tử vong do dịch COVID-19. Như vậy, chỉ trong sáu ngày, trên địa bàn Bạc Liêu số ca tử vong tăng gần gấp rưỡi so với gần năm tháng qua và số ca mắc mới cũng xấp xỉ con số của gần năm tháng qua cộng lại.

Đáng chú ý, ngày 31-10, trong số 414 ca mắc mới ghi trận trên địa bàn Bạc Liêu, có đến 143 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng. Chưa hết, trong ngày này ghi nhận 81 trường hợp mắc COVID-19 có độ tuổi dưới 18.

Ngoài Bạc Liêu, các tỉnh, thành trong vùng như Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Cà Mau… liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng, đặc biệt là số ca phát sinh trong cộng đồng. Như tại TP Cần Thơ, một tuần qua địa phương này liên tục ghi nhận số ca nhiễm tăng với nhiều ổ dịch mới cả trong khu dân cư, bệnh viện và trong nhà máy ở khu công nghiệp. Theo đánh giá của UBND TP, tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, cộng thêm việc di chuyển của người dân trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt sẽ là cơ hội lớn cho dịch bệnh COVID-19 tái phát mạnh.

Tương tự, tại An Giang, thời gian gần đây số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng tại hầu hết các huyện, thị xã, TP. Trong đó, TP Long Xuyên đang phát sinh các ổ dịch trong cộng đồng tại khóm 2, phường Mỹ Long; khóm Thới An A, Thới Hòa, Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh… và đặc biệt là ổ dịch tại khu vực chợ Long Xuyên.

Nâng cấp độ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi các ca mắc mới trong cộng đồng gia tăng, các địa phương ở miền Tây tăng cường các giải pháp phòng chống, rà soát, đánh giá lại mức độ dịch trên địa bàn để xác định lại cấp độ dịch. Một số địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ và hàng loạt đơn vị cấp huyện, xã, phường, thị trấn đã nâng cấp độ dịch từ cấp độ 1 lên cấp độ 2, thậm chí nâng lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ở các nơi có các ổ dịch trong cộng đồng.

Ngày 31-10, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết TP đã tăng cấp độ phòng chống dịch lên cấp độ 2 (áp dụng từ hôm nay, 1-11), cạnh đó TP đẩy nhanh hoạt động kiểm soát của y tế, tăng cường kiểm soát các hoạt động của người dân, nhất là những hàng quán có phục vụ rượu, bia. Lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở bà con, nếu không chấp hành mới phạt hành chính theo quy định.

Theo ông Trường, TP tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các địa phương và sở, ngành, kể cả nâng cao năng lực y tế xã, phường… để quản lý, nhắc nhở bà con.

“Ví dụ, đối với các chợ, Sở Công Thương cho Thanh tra sở đi kiểm tra liên tục các chợ về việc thực hiện đúng quy định, nếu không đảm bảo phòng chống dịch sẽ phạt. Tương tự, cũng như Sở Công Thương, các địa bàn, các UBND sẽ thành lập các tổ để đi kiểm tra việc đảm bảo các quy định về phòng chống dịch, phải đảm bảo mới được. Chứ bây giờ dịch đang bùng cỡ đó mà không đảm bảo là nguy hiểm lắm!” - chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay.

Cạnh đó, Hậu Giang và một số địa phương khác như Cà Mau, Bạc Liêu tăng cường tổ kiểm tra và hỗ trợ khai báo y tế ở khu vực cửa ngõ để đảm bảo việc quản lý người vào địa bàn. Bến Tre vẫn đang duy trì kiểm soát chặt chẽ tại các chốt cửa ngõ ra vào tỉnh. Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cuối tháng 10-2021 đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, nắm bắt thông tin, nắm chắc người về, người đi, tình hình sức khỏe của người dân. Tỉnh kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện tốt quy tắc 5K; ứng dụng công nghệ; tiếp tục tuyên truyền người dân chủ động tham gia phòng chống dịch.

Với diễn biến dịch bệnh phức tạp, tỉnh An Giang quyết định cho áp dụng biện pháp tăng cường phòng chống dịch đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP Long Xuyên. Tỉnh này quy định từ ngày 31-10, các hàng quán chỉ được bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ. Kiểm soát chặt chẽ người ngoài tỉnh về TP Long Xuyên, đặc biệt đối với người về từ các địa phương có ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và khu vực các tỉnh có dịch thuộc cấp độ 3, cấp độ 4 thì sẽ được thực hiện xét nghiệm, cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Bình Thuận: 24 giờ có thêm 130 ca mắc COVID-19

Chiều 31-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo nhanh diễn biến tình hình phòng chống dịch. Theo đó, chỉ trong 24 giờ, tỉnh này đã có thêm 130 ca mắc COVID-19, trong đó có đến 96 ca mắc trong cộng đồng. Tính đến tối 31-10, toàn tỉnh Bình Thuận đã có tổng số 5.344 ca mắc COVID-19; hai địa phương có ca mắc nhiều nhất là thị xã La Gi 1.986 ca, TP Phan Thiết 1.914 ca và đã có 65 ca tử vong (10 ca tử vong tại TP.HCM).

Tính đến nay, tại Bình Thuận đã có 4.351 ca điều trị khỏi và được xuất viện. Riêng số ca mắc COVID-19 đang điều trị là 938 ca, trong đó số ca đang có diễn tiến nặng là 22 ca, gồm TP Phan Thiết 13 ca, huyện Đức Linh tám ca và huyện Hàm Thuận Nam một ca.

Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, đáng lo ngại theo chiều hướng gia tăng số ca mắc mới. “Các biện pháp phòng chống dịch tỉnh đang triển khai thực hiện chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế. Do đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét để điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu là phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan trên diện rộng” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói.

Ông Lê Tuấn Phong cũng lưu ý đối với các trường hợp F0 trong cộng đồng, các địa phương phải xử lý tương tự cách thức xử lý một ổ dịch: Tiến hành phong tỏa hẹp, nếu cần thiết thì triển khai phong tỏa tạm thời theo quy mô thôn, khu phố để tiến hành xét nghiệm sàng lọc. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm sàng lọc và đánh giá mức độ nguy cơ, tiến hành thu hẹp phạm vi phong tỏa.  

PHƯƠNG NAM 

Xem thêm: lmth.8315201-gnod-gnoc-gnort-hcid-gnub-oc-yugn-court-yat-neim/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Miền Tây trước nguy cơ bùng dịch trong cộng đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools