Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, kéo theo sự sụt giảm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực liên quan.
Dịch bệnh đã nhanh chóng đóng băng ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiện dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, nhưng phải nhìn nhận rằng cuộc sống hậu COVID-19 sẽ rất khác so với trước đây. Do vậy, lựa chọn "nước chảy bèo trôi" hay thích nghi để tồn tại đã trở thành quyết định của nhiều đơn vị làm du lịch trong thời điểm này.
Đơn vị lữ hành phát triển linh hoạt nhằm thích ứng trong giai đoạn bình thường mới
Khoác chiếc áo đầu bếp, anh Nguyễn Như Nam, Giám đốc công ty du lịch Việt Nam Travelmart nay kiêm nhiệm thêm việc nấu nướng và kinh doanh nhà hàng. Thêm việc cũng đồng nghĩa thêm nỗi lo.
"Rất là khó đấy, bây giờ mình đẻ thêm đứa con như thế này là rất mạo hiểm. Chi phí mình duy trì quán ăn như thế này cũng lớn", anh Nguyễn Như Nam chia sẻ.
Du lịch bắt lại guồng quay, anh Nam có mặt tại công ty lữ hành của mình nhiều hơn. Mặc dù số lượng công nhân viên đã giảm đi đáng kể, nhưng không vì thế mà việc khởi động, lại bị chệch choạc.
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Nói chung anh em lãnh đạo công ty rất là trăn trở, nhưng cũng không suy nghĩ tiêu cực, cố gắng vừa đảm bảo cho cuộc sống của người lao động ở mức tối thiểu, vừa phải tìm con đường để duy trì hoạt động công ty, tạo nguồn thu khác, có thể nguồn thu khác du lịch", anh Nguyễn Như Nam cho hay.
Nguồn thu khác, nhiều đơn vị lữ hành muốn tồn tại cũng đang tiến hành. Vừa cung cấp tour tuyến, vừa bán thực phẩm. Tư vấn viên nay cũng tư vấn rau củ, quả các loại.
"Khách hàng đi tour của chúng tôi bắt đầu ủng hộ thực phẩm của chúng tôi. Khi du lịch quay trở lại, những khách hàng đó lại tiếp tục ủng hộ chúng tôi về mảng du lịch. Chúng tôi đang tạo ra hệ sinh thái từ du lịch sang trải nghiệm ẩm thực vùng miền", chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Công ty lữ hành PYS Travel, cho biết.
Phát triển song hành, duy trì lâu dài về du lịch và ẩm thực, giải quyết được công ăn việc làm, tạo nguồn doanh thu cho doanh nghiệp để có thể duy trì được hoạt động trong giai đoạn này, đây cũng là yếu tố giúp duy trì sự kết nối với khách hàng.
Đơn vị lưu trú chuyển mình để bắt nhịp và phát triển
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19, tổng thu du lịch của nước ta đã giảm gần 80% so với năm 2019. Khoảng 60 - 70% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. gần 100% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt dưới 10%. Tuy nhiên không vì thế ngành du lịch "đắp chiếu ngủ đông", cuộc khởi động đã và đang bắt đầu.
Thay vì đóng cửa, khu nghỉ dưỡng La Siesta Hội An đã tận dụng thời gian vắng khách để tu bổ diện mạo. Hàng tỷ đồng được chi ra trong giai đoạn này là chuyện nên xem xét. Tuy nhiên, khu nghỉ dưỡng mong muốn mang đến điều mới lạ cho khách hàng của mình khi du lịch chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
"Chúng tôi làm lại toàn bộ khu mặt tiền, nâng cấp sạch và làm lại hệ thống cửa, trang thiết bị. Đây là thời điểm thích hợp nhất để làm bởi nếu luôn luôn có khách thì không có cơ hội làm", anh Vương Đình Mạnh, Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng La Siesta Hội An, chia sẻ.
Vứt bỏ vướng bận về những khoản nợ vay ngân hàng, với tinh thần phấn chấn để mở cửa đón khách trở lại, khi chưa tuyển được nhân viên mới, người chủ sẽ làm thay việc.
Khu nghỉ dưỡng chuyên phục vụ khách nước ngoài sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp với khách nội địa, từ cách bài trí đến các dịch vụ đi kèm. Đặc biệt, người chủ cũng không quên đến sự phù hợp của giá cả, bởi trong giai đoạn này, mọi chi tiêu của người dân vẫn đang còn dè sẻn.
Đảm bảo phòng dịch tour du lịch khép kín
Để từng bước mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, nhiều địa phương đã triển khai mô hình du lịch khép kín, biệt lập, an toàn với mức giá tối ưu.
Các đơn vị phải đảm bảo yếu tố an toàn ở cả điểm đến lẫn từ phía khách hàng. Du khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và có giấy xét nghiệm PCR âm tính trước khi du lịch. Hành trình đón khách từ nhà đến điểm du lịch phải thực hiện xuyên suốt, không dừng nghỉ.
Các doanh nghiệp lữ hành chỉ sử dụng những phương tiện vận chuyển và cơ sở lưu trú được chứng nhận an toàn; xây dựng các mô hình du lịch lưu trú dài ngày, sử dụng dịch vụ khép kín, được kiểm soát chặt chẽ ở mọi khâu. Du khách thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", ngành du lịch đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, để từng bước phục hồi và tái khởi động các hoạt động du lịch.
Tái khởi động du lịch "vùng xanh"
Ruộng lúa nằm ngay cạnh khu nghỉ dưỡng của gia đình nên bà Nghiềm (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) kết hợp "một công đôi việc" để phát triển kinh tế.
"Tôi vừa làm du lịch, vừa trồng lúa. Có lúc khách đến tham quan cũng trải nghiệm trồng lúa với mình. Lúc thu hái lúa, khách cũng cùng mình thu hái lúa", bà Hà Thị Nghiềm cho biết.
"Của nhà trồng được" nên mô hình du lịch cộng đồng đang được nhiều cơ sở lưu trú tại đây áp dụng. Đây cũng là xu hướng trải nghiệm du lịch của nhiều du khách.
Sau nhiều tháng nghỉ dịch, một số cơ sở lưu trú tại Thanh Hóa cũng bắt đầu khởi động, tuy nhiên vẫn "rón rén" đón khách và phải đào tạo lại nhân sự.
Để từng bước mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, nhiều địa phương đã triển khai mô hình du lịch khép kín, biệt lập, an toàn với mức giá tối ưu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Nếu du khách đảm bảo yêu cầu 5K mình vẫn đón bình thường, mình vẫn phải cân đối nguồn nhân lực. Gần như các bạn ấy quên nghề rất nhiều, phải đào tạo lại cho các bạn", anh Quách Văn Linh, Quản lý khu du lịch Casa Pù Luông, Thanh Hóa, cho hay.
"Còn nước còn tát" nên dù khó khăn cũng phải vớt vát, nhưng việc mở cửa đồng nghĩa với việc sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Không chỉ là những điểm du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, mà các điểm du lịch văn hóa, tâm linh cũng đòi hỏi cần phải chuyển mình, ưu tiên trước mắt mở cửa đón khách nội địa.
"Kết nối nhiều tour du lịch để đảm bảo tour an toàn, kết nối với hệ thống nhà trường, cơ quan đơn vị, nhà hàng khách sạn, nhà nghỉ..., những nơi nào đủ điều kiện đón khách thì chúng tôi có cơ chế phối hợp, liên kết", ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, nói.
"Biến thách thức thành cơ hội nhằm quảng bá du lịch an toàn thông qua hình thức du lịch khép kín, du lịch không chạm", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Nguyễn Duy Tự nhận định.
VTV.vn - Ngành du lịch đang chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để từng bước phục hồi và tái khởi động các hoạt động du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21312511110111202-iom-hnih-hnit-gnort-gnu-hciht-gnod-uhc-hnim-neyuhc-hcil-ud/et-hnik/nv.vtv