Theo IHS Markit, trong tháng 10, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng mạnh lên 52,1 điểm, tăng gần 10 điểm so với tháng 9 (40,2 điểm).
Chỉ số PMI được sử dụng để thể hiện các hoạt động sản xuất. Việc tăng điểm số PMI của Việt Nam cho thấy, các công ty Việt Nam đã tăng mua nguyên vật liệu để sản xuất đáp ứng các đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu đang tồn đọng.
Ba tháng trước, khi Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội rất mạnh để chống dịch thì chỉ số PMI của Việt Nam giảm rất mạnh. Nguyên nhân được chỉ ra, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất vì không đáp ứng các điều kiện chống dịch, thiếu hụt lao động...
Vào đầu tháng 10, khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, các công ty Việt Nam đã hồi phục và tăng tốc sản xuất để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cao từ thị trường quốc tế. Điều này đã phát đi tín hiệu lạc quan về niềm tin kinh doanh được cải thiện.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết, kết quả khảo sát PMI mới nhất, những nỗ lực của Chính phủ trong việc chống dịch bệnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước khởi sắc.
Điển hình là các công ty Việt Nam đã quay trở lại sản xuất một cách tích cực trong tháng 10, thời điểm kết thúc các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các công ty cũng đang ngày càng tự tin hơn về triển vọng kinh doanh trong các tháng tiếp theo.