Theo tờ SCMP, Trung Quốc đang cố gắng dịch chuyển lên trong chuỗi cung ứng bằng cách phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như của Đức, thế nhưng với tình trạng giới trẻ bỏ cuộc như hiện nay, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thách thức về nhân lực rất lớn.
"Họ làm việc cực khổ nhưng lại kiếm chưa đến 10.000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Trong khi giá nhà tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh cũng đã từng đó cho mỗi m2. Tôi chẳng muốn tốn thời gian vào những việc cực khổ như vậy khi tương lai quá mờ mịt...Khi mọi nỗ lực làm việc của mình đều chẳng đi đến đâu thì cố gắng để làm gì", anh Fan Yuxuan nói về những người bạn cùng tốt nghiệp kỹ sư của mình.
Suốt 3 năm kể từ sau khi tốt nghiệp, anh Fan đã làm nghề bán thuốc lá với thu nhập 6.000 Nhân dân tệ, tương đương 938 USD/tháng và mới đây đã bỏ việc.
Câu chuyện của anh Fan chỉ là một trong số vô vàn bạn trẻ Trung Quốc ngày nay khi chẳng hề hào hứng với văn hoá làm việc cật lực như trước nữa. Thậm chí người ta còn đặt tên xu thế này là "Tang Ping" nghĩa là "Nằm thẳng" để ám chỉ những bạn trẻ từ bỏ cố gắng sự nghiệp, chỉ làm đủ sống cho qua ngày khi mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa.
Tờ SCMP cho biết suốt 40 năm bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra vô số người giàu nhưng cũng khiến bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn, nhất là trong giới trẻ. Hệ quả là khi những người trẻ mất hy vọng vào thành công trong sự nghiệp, họ bắt đầu quay ra sống vất vưởng qua ngày.
Dù mang tiếng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng Trung Quốc lại thiếu lao động tay nghề cao trầm trọng vởi chỉ khoảng 30% nhân lực có bằng cấp 3 hoặc đại học, mức thấp nhất trong số những quốc gia thu nhập trung bình chứ chưa nói đến những nền kinh tế phát triển. Bởi vậy khi giới trẻ bắt đầu bỏ cuộc, thách thức thiếu lao động trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết cho những tham vọng của chính quyền Bắc Kinh.
Đông dân nhưng thiếu thợ
Câu chuyện thừa thầy thiếu thợ được những nhà lãnh đạo Trung Quốc khá coi trọng bởi để đạt mục tiêu "cộng đồng thịnh vượng chung" như Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phải nâng tầm chất lượng nhân lực.
Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phấn đấu ít nhất 10% sinh viên trường cao đẳng nghề sẽ tốt nghiệp đại học sau đó vào năm 2025. Đến năm 2035, Trung Quốc phấn đấu trở thành nước có hệ thống giáo dục nghề thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.
Xã hội Trung Quốc coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng làm nghề
Hiện Trung Quốc có gần 10.000 trường trung cấp dạy nghề và 1.500 cao đẳng nghề. Tính trong năm 2020, những ngôi trường này có khoảng 31 triệu sinh viên, tương đương 35% số người trong độ tuổi 15-22 tại Trung Quốc. Hàng năm, khoảng 8 triệu sinh viên tốt nghiệp từ những ngôi trường này.
Tuy nhiên trong số 200 triệu lao động có tay nghề tại Trung Quốc, chỉ 30% được đánh giá là có tay nghề cao.
Tờ SCMP nhận định Trung Quốc muốn vươn lên đẳng cấp của những nền kinh tế phát triển như Đức nhưng chênh lệch lao động lại quá lớn. So sánh với Đức, Trung Quốc thiếu ít nhất 30 triệu lao động lành nghề trong các nhà máy và con số này sẽ nới rộng lên 40 triệu người vào năm 2035.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng để lấp đầy khoảng trống 40 triệu lao động lành nghề vào năm 2025. Như vậy nếu không có trường dạy nghề nào mở thêm thì tất cả sinh viên tốt nghiệp năm nay đều phải là thợ lành nghề để có thể đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên theo Xiong Bingqi, giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 (CERI), giới trẻ ngày nay lại chẳng thích trở lành kỹ sư hay lao động lành nghề. Tư tưởng làm trong các nhà máy hay ngành kỹ thuật, trở thành lao động "cổ cồn xanh" đều có mức lương thấp đã in sâu vào óc người dân Trung Quốc. Điều kiện làm việc vất vả và vị thế chẳng được coi trọng trong xã hội khiến mọi người thích được làm nghề khác hơn là lao động kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ khiến giới trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn thay vì vất vả trong các nhà máy. Khảo sát của China Youth Daily cho thấy 64% sinh viên trường cao đẳng dạy nghề tại Trung Quốc không muốn làm trong nhà máy hay công trường. Nguyên nhân chủ yếu là lương thấp, điều kiện làm việc vất vả, tương lai sự nghiệp mờ mịt và không được coi trọng trong xã hội.
Chỉ chưa đến 1/3 số người được hỏi cho biết họ có bạn học trở thành thợ điện, thợ hàn hay lao động có tay nghề trong các nhà máy.
Xã hội trọng bằng cấp
Tờ SCMP nhận định việc người Trung Quốc quá coi trọng bằng cấp cũng như thể diện xã hội hơn người Đức là một trong những nguyên nhân chính. Thay vì đánh giá đúng tầm quan trọng của kỹ năng làm nghề, xã hội Trung Quốc lại cho rằng chỉ có sinh viên học dốt mới trượt đại học và phải xuống trường dạy nghề.
Chất lượng lao động của Trung Quốc đang là vấn đề khiến chính phủ đau đầu
Thậm chí những người tốt nghiệp các trường nghề cũng có địa vị xã hội thấp hơn so với cử nhân khi đăng ký xin việc tại những công ty lớn hay doanh nghiệp nhà nước.
Số liệu của Xinchou, hãng thu thập dữ liệu có trụ sở tại Thượng Hải cho thấy mức lương bình quân của sinh viên tốt nghiệp top 30 trường dạy nghề hàng đầu Trung Quốc trong tháng 9/2021 chỉ vào khoảng 6.276 Nhân dân tệ, thấp hơn 30% so với những người tốt nghiệp top 10 trường đại học hàng đầu.
"Trung Quốc đã đi sau hàng thập niên so với Đức trong vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là khác với người Đức, xã hội Trung Quốc coi trọng bằng cấp đại học hơn là trình độ làm nghề", giám đốc Xiong ngậm ngùi.
Năm 2020, nguồn kinh phí của chính phủ cho những trường nghề tại Trung Quốc vẫn thấp hơn 40% so với số tiền đổ về các trường đại học.
Rõ ràng, Trung Quốc còn chặng đường rất dài phải đi khi muốn thực sự trở thành một nền kinh tế công nghiệp phát triển cao như Đức.
*Nguồn: SCMP
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị