Sự nổi lên và sụp đổ của làng Hoa Tây
Nằm ở tỉnh Giang Tô và do thành phố Jiangyin quản lý, làng Hoa Tây từng là một kỳ tích về sự thịnh vượng kinh tế. Trong những năm 1960, nhà lãnh đạo Wu Renbao đã sát cánh cùng dân làng địa phương trong việc phát triển công nghệ.
Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, làng Hoa Tây nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp sắt thép và đạt được tốc độ phát triển đáng kinh ngạc.
Đến đầu thế kỷ 21, có hơn 100 công ty trực thuộc tập đoàn Hoa Tây, bao gồm sắt thép, kim loại màu, thuốc lá và bất động sản.
Một thống kê cho biết từng có thời điểm, thu nhập trung bình của mỗi người dân trong làng đã đạt mức 250.000 USD/năm, bao gồm lương, phúc lợi và tiền cổ tức. Mức thu nhập này cao gấp hàng chục lần so với người dân nông thôn ở khu vực khác và thậm chí là người dân thành thị.
Hoa Tây khi đó được mệnh danh là "ngôi làng giàu nhất Trung Quốc" hay "làng tỷ phú" với hàng loạt câu chuyện về sự giàu có và xa hoa.
Hầu hết người dân nơi đây đều sở hữu ít nhất 1 ngôi nhà 3 tầng với 6 phòng và lái xe hơi sang trọng của các thương hiệu như Mercedes, BMW cùng tài khoản ngân hàng trị giá hàng trăm nghìn USD (tương đương hàng tỷ đồng). Họ được dùng các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông và thậm chí là trực thăng miễn phí.
Hoa Tây có tới 5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao dành cho khách du lịch bởi ngôi làng thu hút hàng triệu lượt khách tới thăm mỗi năm. Lợi nhuận thu về từ mảng này không hề nhỏ chút nào.
Tuy nhiên, sau này, ngành công nghiệp thép của Hoa Tây sa sút và sản xuất dư thừa ngày càng trở thành vấn đề lớn. Năm 2013, có báo cáo rằng do các doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng làm ăn thua lỗ, dân làng (là cổ đông) buộc phải thuê phòng trong khách sạn 5 sao của làng để "thúc đẩy nhu cầu nội bộ".
Trong 5 năm qua, tập đoàn Hoa Tây đã nợ khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (156 triệu USD). Báo cáo kết quả hoạt động từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay cho thấy khoản lỗ đầu tiên của tập đoàn rơi vào khoảng hơn 60 triệu USD.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng ở làng Hoa Tây, những người bên ngoài ngày càng nghi ngờ về cách thức vận hành của ngôi làng. Sau khi Wu Renbao qua đời năm 2013, con trai của ông là Wu Xie’en đảm nhận vị trí lãnh đạo của làng Hoa Tây và CEO của tập đoàn Hoa Tây.
Các thành viên khác của gia đình họ Wu cũng giữ nhiều vị trí quan trọng trong làng, khiến nhiều người chỉ trích là ngôi làng giờ đây đã trở thành nơi do một gia đình duy nhất cai trị.
Cải tổ hay bị bỏ lại phía sau?
Không phải làng Hoa Tây không nỗ lực để chuyển mình. Sau khi Wu Xie’en tiếp quản, tập đoàn Hoa Tây đã tìm kiếm cơ hội mới trong ngành tài chính, tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hợp đồng tương lai cũng như mua cổ phiếu của một số công ty thông qua nhiều nền tảng khác nhau.
Con trai của Wu Xie’en cũng đã giúp mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành công nghiệp Internet mới nổi như trò chơi trực tuyến, thể thao điện tử và đọc sách trên thiết bị di động.
Tuy nhiên, dựa trên đánh giá hiệu quả kinh doanh hiện tại, quá trình chuyển đổi của tập đoàn Hoa Tây có vẻ như đã không thành công. Những khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi không chỉ không bù đắp được tổn thất phát sinh trong các ngành truyền thống mà còn làm tăng chi phí hoạt động.
Làng Hoa Tây từng là niềm tự hào của thành phố Jiangyin. Sau khi xảy ra khủng hoảng về quản lý kinh doanh, chính quyền địa phương đã mở một cuộc họp để giải quyết vấn đề.
Năm ngoái, một doanh nghiệp nhà nước của thành phố thậm chí đã mua lại một phần cổ phần của các công ty thuộc tập đoàn Hoa Tây với giá gần 1 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, mọi người vẫn nghi ngờ về việc liệu ngôi làng này có tự vực dậy được sau khủng hoảng và phát triển như ngày trước nữa hay không.
Theo một số chuyên gia, "ngôi làng số 1 thế giới" đang đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư do mô hình hoạt động lỗi thời, tạo ra thách thức lớn hơn cho sự phát triển trong tương lai.