Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Ngày 27/11, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dự kiến, thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết 15/5/2022. Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022. Do đó, tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đang để trống ngày có hiệu lực.
Trước đó, các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cũng đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc hội xung quanh vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô.
Kiến nghị được đưa ra bởi 11 nhà nhập khẩu xe, đại diện các đơn vị này kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) để đảm bảo tính công bằng.
Trong văn bản của VIVA có nêu: "Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch Covid-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định, việc tái áp dụng chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian ngắn hạn (như đã áp dụng theo quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí các nhà máy lắp ráp này có công suất khá lớn. Đồng thời, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Do đó, biện pháp giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, mà còn có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Giảm phí trước bạ, người mua sẽ được hưởng lợi?
Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP Hồ Chí Minh 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Với mức giá ô tô trên thị trường hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Ví dụ: Một chiếc xe con có giá 600 triệu đồng, muốn đăng ký tại Hà Nội, số tiền khách hàng phải bỏ ra để đóng thuế trước bạ là 72 triệu đồng (phí trước bạ 12% ở Hà Nội). Nhưng nếu được giảm 50%, số tiền này chỉ còn 36 triệu đồng.
Có nghĩa, người mua xe đã tiết kiệm được 36 triệu đồng khi mua xe mới khi đề xuất giảm 50% phí trước bạ của Bộ Tài chính được thông qua. Nếu khách hàng mua xe càng có giá trị cao, thì mức tiết kiệm sẽ càng lớn khi phí trước bạ đã giảm còn 50%.
Hay, đối với mẫu xe Mercedes-Benz S 450 Luxury được lắp ráp trong nước có giá 4,969 tỷ đồng. Mức phí trước bạ phải nộp tại khu vực Hà Nội khi chưa giảm phí là 12% là 596 triệu đồng; Nếu được giảm 50% phí trước bạ chính thức có hiệu lực, khách hàng sẽ tiết kiệm 298 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Thế Hùng, chủ của 2 showroom bán xe tại Hà Nội, với mức giảm phí trước bạ như này, đây có thể là yếu tố giúp thị trường ô tô trong thời gian tới khởi sắc; Vì tâm lý của nhiều người đang có nhu cầu mua xe thực sự sẽ thấy đây là thời điểm tốt, giúp họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hãng, đại lý cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích cầu.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại lo lắng, nếu đề xuất giảm phí trước bạ của Bộ Tài chính được thông qua thì các hãng cũng sẽ cắt giảm mức ưu đãi, giảm giá như hiện nay, hay thậm chí là không còn.
Anh Nguyễn Tuấn Nam (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết: "Anh cũng đang có ý định mua một chiếc Mazda CX-5, hiện được báo giá khá tốt và có tặng kèm quà khuyến mại. Nhưng nếu mua bây giờ đi đăng ký mà sau giảm phí thì lại bị thiệt, còn nếu đợi thuế giảm mới mua thì sợ giá lại tăng hoặc hết khuyến mại nên tôi cũng đang đắn đo".
Theo giới kinh doanh xe, nếu việc giảm phí trước bạ đối với ô tô được thông qua sẽ là thông tin rất vui đối với các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô trong lúc thị trường đang trầm lắng như hiện này. Vì khoảng thời gian cuối năm thường là lúc nhiều người mua sắm xe nhất, cùng với đó, việc ảnh hưởng kinh tế do dịch COVID-19 thì việc được ưu đãi phí trước bạ cũng sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn.
Tính đến hết tháng 9, số liệu bán hàng của VAMA và TC Motor cho thấy doanh số ôtô du lịch bán ra đạt hơn 174.000 chiếc, thấp hơn cùng kỳ năm trước 3,5%. Đáng chú ý, tháng 8 ghi nhận lượng xe bán ra thấp kỷ lục trong 6 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.53352625120111202-iol-gnouh-es-ot-o-aum-iougn-ab-court-ihp-05-maig/et-hnik/nv.vtv