Khó khăn chồng chất
Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thực hiện hoạt động với phương châm 3 tại chỗ. Khi tình hình dịch bệnh tạm thời ổn định, các doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Caiprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam, Khu công nghệ cao tại Tp.Đà Nẵng cho biết, quá trình giãn cách xã hội khiến đơn hàng bị chậm. Đến nay, 90% công nhân của công ty đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các hoạt động sản xuất dần khôi phục nhưng vẫn chưa thể hoạt động hết công suất.
Một trong những khó khăn là các chuyên gia ở nước ngoài không thể vào Việt Nam. Ngoài ra, lao động chất lượng cao sau dịch cũng chưa vào Tp.Đà Nẵng. Doanh nghiệp muốn tuyển lao động chất lượng cao trong lúc này cũng gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, bà Dương Thị Thu Vân, Tổng quản lý Công ty TNHH MTV Hệ thống và Cáp điện Bumhan, Khu công nghiệp Hoà Khánh chia sẻ, trong thời gian giãn cách, tất cả nhân viên đều phải ở nhà, hoạt động sản xuất đình trệ.
Tp.Đà Nẵng nới giãn cách, công ty tái khởi động sản xuất, các đơn hàng được đối tác trong nước đặt lại. Hy vọng, dịch bệnh ổn định hơn, Công ty sẽ tái xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh thu trong năm nay do dịch, Công ty ước tính giảm khoảng 30% đến 40%.
“Đối với Công ty chúng tôi nói riêng và doanh nghiệp nói chung, trong thời gian dịch bệnh phải cách ly, điều khó khăn nhất đó là chuỗi logistics bị đứt gãy, giá nhập nguyên vật liệu tăng cao khiến việc sản xuất hoàn toàn bị ngừng trệ.
Trong tương lai, trong diễn biến giả sử dịch bệnh còn kéo dài, chúng tôi mong muốn Chính phủ và địa phương có những giải pháp hiệu quả như thế nào đó để việc lưu thông hàng hóa được thông suốt, không bị đứt gãy chuỗi logistics, giúp duy trì được sản xuất, giữ được công ăn việc làm cho người lao động”, bà Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Seiryu Daie, đại diện Công ty HOSO Việt Nam nhận định, khó khăn của đơn vị nhất khi phục hồi sản xuất sau dịch là nguyên vật liệu bị giao chậm, chi phí vận chuyển tăng. Đồng thời, để đảm bảo cho việc sản xuất ổn định, hoạt động phòng chống dịch cũng được đơn vị quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, cho biết, khi Thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đấy”, công ty thực hiện 30% công nhân thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Giảm giãn cách, chị cũng như hầu hết công nhân đều trở lại làm việc và được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Do thời gian giãn cách, sản xuất không đáp ứng đủ đơn hàng nên sau giảm giãn cách, công nhân thực hiện tăng ca. Trong quá trình làm việc, tất cả công nhân đều thực hiện đầy đủ 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
“Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã ổn định hơn trước, nhưng tất cả mọi người đều rất ý thức. Dịch có thể trở lại bất kỳ lúc nào, bảo vệ mình chính là bảo vệ cho cả gia đình, người thân, do đó, đi làm nhưng vẫn phải tự bảo vệ mình”, nữ công nhân chia sẻ.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Liên Đoàn lao động Tp.Đà Nẵng cho biết, mục tiêu kép của Thành phố là đảm bảo sản xuất an toàn, bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người lao động, ngoài ra, cần đảm bảo thu nhập của người lao động. Điều này dựa vào sự tổ chức tích cực của các doanh nghiệp để người lao động an tâm sản xuất ổn định.
Thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Tp.Đà Nẵng cho hay, đến nay, 90% doanh nghiệp trong khu vực mình quản lý đã phục hồi sản xuất. Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo quy định, công dân khi tham gia các hoạt động phải “tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày”.
Tại các khu công nghiệp, tỉ lệ người lao động được tiêm ít nhất 1 mũi vắc- xin là khoảng 85%. Do đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về việc đạt công suất hoạt động tối đa để sớm phục hồi.
Việc đứt gãy các khâu cung ứng sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu không đảm bảo khả năng trả nợ, việc gia hạn các hợp đồng đến hạn tại các ngân hàng cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các khoản phải nộp ngân sách khác như tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, bảo hiểm xã hội... khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Một số bộ phận người lao động phải nghỉ việc, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn nên ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều, đặc biệt là các đối tượng lao động ngắn hạn, thời vụ.
Để thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, Ban Quản lý yêu cầu việc nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch của doanh nghiệp là vấn đề bắt buộc.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp tập huấn, diễn tập công tác phòng chống dịch là vấn đề trọng tâm thực hiện sắp đến.
Ban quản lý cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp. Một là, đẩy mạnh lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.
Hai là giải quyết về tiêm vắc-xin, đi lại và xét nghiệm cho người lao động
Ba là, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bốn là, tiếp tục cải cách tối đa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các hoạt động xây dựng, mở rộng nhà xưởng nhằm đưa các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sớm đi vào hoạt động để phục hồi và phát triển sản xuất; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào doanh nghiệp, đặc biệt đơn giản hóa tối đa thủ tục nhập cảnh cho các đối tượng đã được cấp giấy phép lao động.
Cuối cùng, đơn giản hóa về thủ tục nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP 1/7/2021.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thực hiện tiêm vắc-xin cho người lao động trong các khu công nghiệp. Mục tiêu thực hiện trong thời gian tới là cố gắng đạt tỉ lệ tiêm chủng 100% mũi 1, và sớm đẩy mạnh tiêm mũi 2 cho người lao động.