Điều này thể hiện bước tiến trong tiếp cận thị trường xăng dầu thế giới, đưa giá xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Sự thay đổi này là cả một quá trình làm chính sách, dựa vào nhận thức thực tiễn quá trình vận hành của cơ chế thị trường.
Thời gian qua, có những lúc giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động liên tục với biên độ lớn. Trong khi đó, giá trong nước không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến việc mất cân đối cung cầu, doanh nghiệp càng bán hàng càng lỗ lớn khi giá trong nước quá chênh lệch với giá thế giới.
Do đó, Nghị định 95 đã sửa đổi quy định về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để sát với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với chu kỳ lấy giá trong tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay.
Điểm đáng chú ý, nghị định cũng bổ sung quy định trong trường hợp giá xăng dầu có biến động lớn, bất thường, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Phương án này được đưa ra dựa trên thực tiễn vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới thường xuyên có biến động với biên độ dao động khá lớn, làm tăng tần suất phải xin ý kiến Thủ tướng ở mỗi kỳ điều hành giá.
Trong khi đó, mức độ tác động đến CPI chung của cả nước là nếu giá xăng dầu thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng 7% chỉ góp phần làm CPI chung tăng thêm ở mức 0,11% và nếu giá cơ sở xăng dầu biến động tăng 10% sẽ tác động vào CPI chung là khoảng 0,17%.
Sự thay đổi mức độ tác động vào chỉ số CPI chung giữa quy định cũ và quy định mới chỉ khoảng 0,06% là không quá lớn nhưng giúp Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chủ động hơn trong công tác điều hành giá.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã trải qua thời gian hơn dài từ lúc lấy ý kiến đến khi được ký ban hành. Dự thảo này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, DN và nhà quản lý bởi mức độ ảnh hưởng của mặt hàng xăng dầu rất lớn đến nền kinh tế. Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhiều lần trình dự thảo lên Chính phủ nhưng đều bị trả về, yêu cầu nghiên cứu thêm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4-2020, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm vì chậm trễ trong việc hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần năm năm chưa xong.
Dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã trải qua hai nhiệm kỳ Chính phủ và hai đời bộ trưởng Công Thương. Dù thời gian xây dựng nghị định kéo dài nhưng việc ban hành Nghị định 95 đã cho thấy tinh thần tiếp thu, lắng nghe của Chính phủ.
Sửa đổi, bổ sung phương pháp tính giá cơ sở, nguyên tắc điều hành giá bán lẻ xăng dầu giúp phản ánh kịp thời diễn biến giá thị trường, tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước.