Các loại xe ôtô tấp nập ra vô các quận nội thành TP.HCM trong những ngày cuối tháng 10-2021 - Ảnh: T.T.D.
Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM được tái khởi động, tổng mức đầu tư 2.274 tỉ đồng. Dự án này không mới, chỉ bất ngờ là tư vấn đề xuất và Sở GTVT nhanh chóng trình UBND TP.HCM để triển khai ngay thời điểm thành phố mới mở "hé cửa" sau 4 tháng phong tỏa, thiệt hại lớn vì dịch.
Khi nào khả thi?
TP.HCM là đô thị lớn nhất nước, luôn có đông phương tiện lưu thông. Thống kê đến giữa tháng 9-2021, có gần 8,4 triệu phương tiện, trong đó hơn 806.000 ôtô và khoảng 7,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2020, lượng ôtô đăng ký mới tăng gần 3,8%, xe máy 3,3%. Cơ quan chức năng cho biết đến nay còn 22 điểm ùn tắc, trong đó có 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến.
Tình hình giao thông còn phức tạp tại nhiều nơi ngoài phạm vi dự kiến thu phí, kẹt xe vào giờ cao điểm ngày càng trầm trọng ở các cửa ngõ. Nếu vì giảm kẹt xe thì phạm vi đề xuất thu phí chưa phù hợp, ùn tắc giao thông phần lớn xảy ra bên ngoài.
Phạm vi áp dụng thu phí khá rộng, khoảng 930ha. Lựa chọn ranh giới "cứng" là vành đai khép kín trong đó có đường Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng cũng chưa hợp lý, người dân đi qua không có nhu cầu vào trung tâm thành phố vẫn phải đóng phí. Có nhiều người hằng ngày ra vào trung tâm nhiều lần như đưa đón con đi học, giao hàng hóa, chở thực phẩm hay rau củ cung cấp cho các chợ, đại lý...
Về lý thuyết, thu phí có thể khiến người dân giảm nhu cầu, giảm được lượng xe cá nhân vào trung tâm. Nhưng cơ sở lý thuyết này chỉ có thể áp dụng tốt nếu người dân có lựa chọn khác về phương tiện công cộng để thay thế, nếu không có thì buộc phải chấp nhận đóng phí để đi. Thu phí cũng sẽ làm tăng chi phí đi lại, vận chuyển, tạo sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp khó khăn sau dịch.
Theo tôi, thu phí hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp. Nên lùi thời gian thu phí để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện thực thi và hiệu quả. Thời gian thực hiện trong năm 2021, nay đã đầu tháng 11, còn 1 tháng khó có thể chuẩn bị xong lộ trình với các thủ tục liên quan, giao thông công cộng khó đáp ứng ngay. Cần lượng hóa khả năng giải quyết kẹt xe, lượng phương tiện sẽ giảm, lợi ích kinh tế thu phí so với chi phí đầu tư và hạn chế đi lại, mức độ tác động xã hội.
Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ
Trung tâm là bộ mặt cho thành phố, hạn chế xe cá nhân sẽ tạo không gian thoáng đãng hơn nhưng nên thận trọng và kết hợp với phát triển giao thông công cộng. Thời điểm thích hợp để đảm bảo khả năng thực thi tốt, ít nhất sau khi hoàn thành tuyến metro số 1 và tổ chức kết nối giao thông bằng xe buýt, kết hợp với đi bộ và xe đạp công cộng (dự án này đã được cho triển khai thí điểm nơi trung tâm).
Giải pháp trước mắt có thể hạn chế gửi và đậu xe trong khu vực trung tâm, đồng thời thiết lập các vành đai giữ xe quanh quận 1 và 3, vừa hiệu quả lại không tốn kém nhiều. Cũng có thể hướng đến giải pháp hạn chế ôtô theo ngày chẵn, lẻ. Cách này nhiều thành phố đã áp dụng và thành công như Paris của Pháp, Jakarta ở Indonesia... Cũng có thể tăng thêm chi phí giữ xe và đậu xe ở khu vực trung tâm. Đồng thời, tăng cường xử lý các vi phạm, phân luồng hạn chế xung đột giao thông, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu phù hợp từng thời điểm.
Ùn tắc và kẹt xe có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do xe đông. Phát triển đô thị thiếu đồng bộ, giao thông công cộng chậm phát triển, phân luồng giao thông bất hợp lý, chu kỳ đèn tín hiệu chưa phù hợp thực tế, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao... Chủ động nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp khác phù hợp để chống ùn tắc, kẹt xe chứ không thể trông đợi xe cá nhân giảm rồi mới thực hiện phát triển giao thông công cộng.
Hạ tầng nào cho xe công cộng?
Theo đề án, mục tiêu sau cùng của chúng ta là phát triển giao thông công cộng. Không thể cứ chăm chăm hạn chế phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng công cộng vẫn giậm chân tại chỗ.
Khi hạ tầng quá tải, chuyện thu phí cũng là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề phải bàn là cần thực hiện ở thời điểm nào, trong bối cảnh nào và các giải pháp khác cũng cần làm nhanh. Cùng với thu phí xe cá nhân, việc phát triển hệ thống phương tiện công cộng ở trung tâm cần làm ngay và luôn để người dân có nhiều chọn lựa thuận tiện hơn. Chẳng hạn như bãi giữ xe bên ngoài khu vực thu phí đã có chưa? Xe đạp công cộng ở trung tâm sẵn sàng chưa? Buýt ở trung tâm sẽ thay đổi và nâng cấp như thế nào cho kịp với việc triển khai thu phí xe cá nhân?
THẢO NGHI
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về việc lập dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm (quận 1, 3).
Xem thêm: mth.58581522220111202-gnort-naht-gnuhn-nen-mchpt-mat-gnurt-oav-oto-ihp-uht/nv.ertiout