vĐồng tin tức tài chính 365

Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở

2021-11-03 10:11
Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở - Ảnh 1.

Theo khảo sát sơ bộ, có khoảng 7.000 lao động tại Bến Tre có nhu cầu tìm việc làm tại chỗ. Trong ảnh: công nhân làm việc tại một công ty chế biến nước giải khát ở Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mất đúng ba tuần cách ly tập trung và theo dõi y tế tại nhà ở phường 4, TP Sóc Trăng, Lâm Hoàng Diên mới thực sự được "tự do" ở quê nhà. "Những ngày vừa rồi có cảm giác thời gian trôi rất chậm, thật khủng khiếp" - Diên nhìn nhận, như so sánh với khoảng thời gian sôi động từng sống và làm việc trước khi về quê tránh dịch.

Công việc hiện tại chưa nhiều, nhưng tôi cũng sẽ tuyển thêm lao động để sử dụng sau khi dịch bệnh ổn định. Khó thì ai cũng khó, mình chịu khó năng động mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề, và đây cũng là cơ hội để mình kiếm lao động cho các phương án lâu dài.

Ông Lý Hoài Thanh (chủ một doanh nghiệp xây dựng ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng)

Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Để từ từ tính

Cách đây một năm, vừa qua tuổi 18, Diên được người quen giới thiệu lên Long An làm công nhân tại một nhà máy cơ khí ở huyện Đức Hòa. Bốn tháng đầu, mọi chuyện thuận lợi với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, "ngon cơm". 

Diên điện thoại về nhà gọi thêm em gái Lâm Thị Kiều An kém mình một tuổi lên làm cùng. Hai anh em thuê riêng phòng trọ và Diên bắt đầu đăng ký thẻ ATM, tích cóp tiền gửi về cho cha mẹ có thể sửa lại căn nhà cấp 4 rách nát. 

Mọi thứ lẽ ra sẽ tiếp tục diễn ra như chuyện của nhiều công nhân đồng hương Sóc Trăng khác. Nhưng rồi dịch bùng lên, nhà máy cho hai anh em tạm nghỉ.

Giờ trong căn nhà đơn sơ bên dòng sông Maspero ngang qua TP Sóc Trăng, bà Mai Thị Thu, mẹ của Diên, thiệt thà tâm sự: "Giờ tui không muốn cho tụi nó đi làm xa nữa đâu. Sợ quá. Tui cứ nói với tụi nó thôi ở quê tìm đại việc gì mà làm. Ở nhà có mắm ăn mắm, có muối ăn muối mà yên tâm". 

Vợ chồng bà trước nay làm phụ hồ chỉ đủ cơm nước nuôi con cho đến khi hai đứa đi lên Long An đi làm, và cũng bị thất nghiệp từ khi địa phương giãn cách xã hội.

Bản thân Diên dường như cũng chưa hoàn hồn sau những tháng dài hai anh em sống giữa bốn bề giăng đầy dây cách ly trong vùng đỏ huyện Đức Hòa. 

"Giờ vẫn chưa muốn nghĩ nhiều. Chắc sau tết mới quyết định chuyện đi nữa hay ở lại. Nhưng nếu ở Sóc Trăng mà có việc ổn định, dù lương có thấp hơn ở Long An thì hai anh em sẽ ở lại Sóc Trăng" - Diên nói.

Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở - Ảnh 4.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến dừa ở Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đi hay ở?

Trong khi đó, ngồi trong căn nhà khá khang trang ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, anh Đặng Thanh Út Nhỏ xác quyết ngay: "Vợ chồng tôi chuyến này quyết tìm việc để ở lại quê".

Căn nhà anh Út Nhỏ đang ở là của cha mẹ anh, được anh góp phần gửi tiền về xây dựng, mua sắm sửa sang trong hơn 10 năm anh bôn ba ở Bình Dương. Ở Bình Dương, anh cưới vợ cùng quê An Giang làm cùng công ty may, rồi lần lượt có 3 đứa con. 

Hai vợ chồng công nhân mỗi tháng thu nhập khoảng 14 triệu đồng và luôn dành dụm được 3 triệu gửi về cho cha mẹ già ở quê. Giờ anh biết chắc sẽ không ít khó khăn sắp tới khi đứa con thứ ba mới chào đời. 

"Thời may là nhờ địa phương giúp đỡ mà đứa lớn 7 tuổi đã được nhận lớp, học trực tuyến bữa giờ. Còn hai đứa 4 tuổi với đứa mới sinh thì từ từ tính" - anh Út Nhỏ cười kể.

Thực ra tìm việc tại quê nhà cũng không phải dễ. Sau cách ly đã gần ba tuần rồi anh Út Nhỏ đi xin việc ở nhiều nơi, từ tài xế xe hợp đồng đến phụ hồ đều chưa nơi nào nhận. 

"Gia đình 5 miệng ăn nên tui lo lắm, đang muốn có việc tạm trước. Còn lâu dài khi vợ tui khỏe lại sau sinh thì sẽ kiếm xưởng may nào đó ở đây xin vào làm, tui sẽ kiếm một nơi nào đó cần tài xế làm nghề lâu dài luôn. Chứ chắc chắn tui sẽ không quay lại Bình Dương đâu" - anh Út Nhỏ chia sẻ.

Cũng câu hỏi "đi hay ở lại", anh Trần Văn Vũ, người ở gần nhà anh Út Nhỏ, lại quả quyết: "Dịch bệnh mà ổn thì tui lên lại TP.HCM ngay". Anh Vũ, 31 tuổi, từng làm thợ hồ được hơn 10 triệu đồng/tháng. "Đó giờ ở quê có kiếm được nhiều tiền vậy đâu". 

Bởi vậy dù vẫn nhớ những ngày bó gối trong phòng trọ sợ hãi, anh vẫn tin: "Đằng nào tui cũng lên TP.HCM vì trên đó nhiều việc làm, không làm thợ hồ thì đi xin bưng bê phụ việc khác. Cha mẹ lại nói hoài chuyện cưới vợ mà ở quê thất nghiệp hoài, việc không có làm lấy tiền đâu ra mà cưới vợ".

Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Vũ từ TP.HCM về quê An Giang không có việc làm nên đã xin làm vườn thuê với mức thu nhập từ trên dưới 200.000 đồng/ngày - Ảnh: MINH KHANG

Nhiều ưu đãi để dân bám trụ ở quê nhà

Đợt dịch thứ tư tràn qua các nơi nhiều việc làm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã khiến không ít người lao động miền Tây nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Các khảo sát nhanh ở nhiều tỉnh cho thấy số người dân muốn tìm việc làm ngay tại quê nhà không phải là ít. 

Như khảo sát hơn 1.000 người tại TP Sóc Trăng đã hoàn thành cách ly y tế, theo ông Nguyễn Văn Quận - bí thư, chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, phần lớn nhiều người đều bày tỏ việc chưa muốn rời quê đi lại mà vẫn tiếp tục tạm ở nhà và hy vọng sẽ có việc ở quê.

Ông Phạm Việt Công - giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Tháp - khẳng định 222 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang đăng ký thông qua cổng thông tin tìm việc của Đồng Tháp tìm đến 46.000 người lao động. 

"Số người lao động trở về lần này sẽ là một nguồn bổ sung rất lớn cho lao động tại các khu, cụm công nghiệp mà tỉnh nhà đang cần" - ông Công nhận định.

Tương tự, ông Châu Văn Ly - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - xác nhận nhu cầu tuyển dụng lao động của tỉnh hiện khoảng 10.000 lao động. 

"Tuy nhiên, trong số 65.000 người về An Giang đợt này, chỉ có hơn 40% lao động đã qua đào tạo, thường đã được các công ty lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đặt hàng nhận họ trở lại từ trước, nên họ sẽ lại ra đi thôi. Người ở lại phần đông vẫn là lao động phổ thông chưa có nghề" - ông Ly giải thích.

Báo cáo từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh An Giang cho biết đến thời điểm này chỉ mới nhận khoảng 500 hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp, chưa thấy hồ sơ nào gửi xin việc làm.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Trong - giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh - cho biết sắp tới thêm nhiều nhà máy khai trương, nên khả năng trong 2 tháng cuối năm 2021 có nhu cầu tuyển thêm khoảng 6.000 lao động và dự kiến đến quý 1-2022, các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp An Nghiệp tuyển thêm 15.000 lao động. 

Nhìn chung cơ quan chức năng địa phương sẵn sàng hỗ trợ kết nối cho người dân địa phương tìm được việc ở các doanh nghiệp trong tỉnh nhà hoặc lân cận. Tại An Giang, Sở LĐ-TB&XH còn có phương án cho người lao động chưa có tay nghề là đào tạo nghề hoặc cho vay vốn đối với những người muốn lập nghiệp tại quê hương.

Những yêu cầu tuyển dụng trở lại từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An hiện "có nhiều ưu đãi hơn so với trước đây" như lời ông Võ Thanh Quang - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng - cũng được các địa phương hỗ trợ hết mình.

Câu trả lời còn thuộc về quyết định của những người lao động.

Doanh nghiệp miền Tây muốn giữ lao động "trời cho"

Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây cũng đang thấy lúc này là cơ hội "trời cho". Chị Gia Bình, chủ một công ty may gia công tại huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), nhìn nhận: "Bình thường kiếm lao động khó lắm. Giờ tui chỉ lo là dịch quay lại phải lỡ dở nửa chừng. Nếu tỉnh có phương án cho phép tự xử lý F0, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất kiểu như trên tỉnh Long An đang làm thì tui sẽ mạnh dạn tuyển luôn một số lượng lớn. Giờ hàng đặt may cũng đang rất hút".

Làm sao kéo lao động trở lại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - cho rằng chính quyền các địa phương cần lao động cần có cam kết rõ ràng, cụ thể như tiêm vắc xin cho người lao động quay trở lại làm việc; phương án đưa đón người lao động trở lại nhà máy... Các doanh nghiệp phải có biện pháp thực tế như hỗ trợ xét nghiệm, tăng lương, thưởng doanh thu, cam kết đóng bảo hiểm đầy đủ, hỗ trợ lương tháng đầu cho người lao động...

Theo ông Huân, chính quyền TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương phải có văn bản hoặc thư kêu gọi công nhân đã về quê trở lại sản xuất, làm sao để người lao động hiểu được khó khăn của doanh nghiệp để họ tự nguyện quay lại nhà máy.

Trong khi đó, ông Đào Quang Vinh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cho rằng để thu hút lao động trở lại nhà máy thì doanh nghiệp và chính quyền cần phải có thông báo rõ ràng vấn đề nhà trẻ, trường học cho con em công nhân, có đầu mối giới thiệu nhà trọ cho lao động mới... Bởi lẽ công nhân chỉ yên tâm đi làm khi có người trông trẻ, trường học mở để con đi học.

"Áp dụng công nghệ số để sắp xếp hồ sơ xin việc, giải đáp trực tuyến cho người lao động, quan tâm tới các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, mới ra trường" - ông Vinh lưu ý thêm.

Dự kiến ngày 3-11, Bộ LĐ-TB&XH họp trực tuyến với các địa phương để đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động. Đại diện lãnh đạo sở LĐ-TB&XH và khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, Bình Dương, Long An... sẽ tham dự.

HÀ QUÂN

TP.HCM: hầu hết nhà xưởng đã sáng đèn

san xuat tro lai

Nhiều nhà máy tại TP.HCM đã sản xuất trở lại với số lượng công nhân quay lại làm việc đạt tỉ lệ cao - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM đã tái hoạt động, đạt tỉ lệ 95% (1.342 trên tổng số 1.412 doanh nghiệp) với số người lao động cũng đã đạt tỉ lệ trên 75%. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-11, ông Phạm Thanh Trực - phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM - cho biết đã có 216.210 người làm việc trở lại ở nhà xưởng trên tổng số lao động trước dịch là 288.161 người, và các doanh nghiệp vẫn đang bổ sung số thiếu hụt.

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất TP.HCM, Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho hay đã có 38.000 người làm việc, đạt gần 70% số công nhân trước dịch là 56.000 người. Ông Củ Phát Nghiệp - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - cho biết hiện đang làm việc với một số tỉnh miền Tây để đưa đón công nhân trở lại nhà máy. Công ty ông chưa có kế hoạch tuyển mới mà tập trung đưa 100% lao động trở lại làm việc.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thùy Vân - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP Thủ Đức) - cho hay hiện số công nhân quay trở lại cũng đã đạt gần 70% của số lượng gần 5.000 người thời điểm trước dịch. Một số ở Bình Dương sẽ sớm trở lại làm việc sau khi xét nghiệm COVID-19.

Nhưng do đặc thù của sản xuất da giày là làm theo băng chuyền, chỉ cần thiếu một công nhân làm công đoạn chính cũng khiến năng suất bị ảnh hưởng. "Dù 70% công nhân đi làm nhưng năng suất sản xuất hiện nay chưa được 50%" - bà Vân nhìn nhận.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cho biết nhà máy này đang thiếu khoảng 50% nhân công. Dù đã tuyển mới, đào tạo nhưng nhiều người không đáp ứng được công việc phải nghỉ làm nên số lượng công nhân tăng thêm vẫn còn chậm. Vị giám đốc này nhận định phải sau tết mới có thể bù đắp thêm người, đảm bảo 100% để vận hành tốt nhà máy.

Còn giám đốc một nhà máy tại huyện Củ Chi có mối lo khác. Theo ông, công nhân hiện rất quan tâm đến thu nhập, mức lương chênh lệch nhau vài ngàn đồng mỗi ngày cũng khiến công nhân sẵn sàng rời bỏ công ty này để đến với công ty khác. Do đó vị này cho biết các nhà máy bên cạnh tăng phúc lợi cũng phải nhìn mặt bằng giá nhân lực trong vùng để điều chỉnh, giữ nhân công và thu hút.

NGỌC HIỂN

Bình Dương đứng trước bài toán an cư cho ngàn lao động trẻBình Dương đứng trước bài toán an cư cho ngàn lao động trẻ

Bình Dương sở hữu nhiều lợi thế để có thể thăng hạng trên bản đồ logistics phía Nam. Nhưng đi cùng cơ hội đó, tỉnh đứng trước thách thức giải bài toán an cư cho hàng ngàn lao động.

Xem thêm: mth.56453328030111202-o-id-gnad-gnud-gnouh-ioh-gnod-oal-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người lao động hồi hương dùng dằng đi ở”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools