Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước giàu và phát triển hỗ trợ các nước nghèo, đang phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế xanh - Ảnh: VGP
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã mời tham dự sự kiện rất có ý nghĩa này và đánh giá cao sáng kiến cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là lựa chọn đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất về chi phí - lợi ích cho tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu bật hai thông điệp trong bài phát biểu:
Một là, nguyên nhân làm tăng nhiệt độ Trái đất là do khí methane sinh ra từ việc sản xuất, xử lý rác thải thiếu khoa học, không bền vững.
Do vậy, các nước phải cùng đoàn kết thống nhất trên nguyên tắc công bằng, công lý và hành động quyết liệt, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải methane. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu và cũng là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân.
Hai là, các nước cần xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể, toàn diện, có tính thực tiễn cao, cần kích hoạt tất cả các cơ chế của Thỏa thuận Paris bao gồm: cơ chế minh bạch, thị trường trao đổi tín chỉ.
Các nước phát triển, các nước giàu - nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu - cần chia sẻ, hỗ trợ các nước đang phát triển, nước nghèo chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp; loại bỏ những rào cản trong chuyển giao, tiếp cận công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến.
Thủ tướng cũng đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hòa carbon, vì an toàn cho Trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau.
Việc Việt Nam tham gia cam kết nêu trên phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước và xu thế chung của thế giới. Cho đến nay, có gần 80 nước tham gia cam kết này.
Các hoạt động trong cam kết sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, tính cạnh tranh thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải methane nói riêng và khí gây hiệu ứng nhà kính nói chung.
Cũng trong ngày 2-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Với việc thông qua tuyên bố, hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C.
Việc Việt Nam tham gia Tuyên bố Glasgow phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững, thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu.
Hoạt động hợp tác giữa các bên tham gia Tuyên bố Glasgow sẽ hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng đất và phát triển rừng.
Điều này cũng giúp Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về xóa đói nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Anh) từ ngày 31-10 đến 12-11.
Nhiều lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp đã quy tụ tại sự kiện được ví như "cơ hội cuối cùng để cứu Trái đất" với các cam kết bảo vệ môi trường và kêu gọi đoàn kết mạnh mẽ.
TTO - Hôm 1-11, hơn 120 lãnh đạo quốc gia có phiên thảo luận về các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Hội nghị này được kỳ vọng bắt đầu cho những nỗ lực "giờ chót và tốt nhất" cứu Trái đất.