vĐồng tin tức tài chính 365

FPT và sở trường “đi trên dây”

2021-11-03 10:56
FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 1.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 2.

"Nghẽn lệnh sàn HOSE" là từ khoá nóng nhất kể từ cuối năm 2020 trên mọi diễn đàn tài chính. Trong bối cảnh những thành viên am hiểu thị trường "im lặng", còn hàng triệu nhà đầu tư bức xúc lên tiếng, FPT tự tin cho biết, có thể xử lý sự cố nghẽn lệnh trong 3 tháng.

Động thái này ngay lập tức khiến FPT tự đặt mình vào vị thế của người đi trên dây, vừa phải giữ cân bằng trước các áp lực, vừa phải lo giải quyết bài toán khó và không thể hẫng dù chỉ một nhịp.

Sở dĩ các thành viên am hiểu thị trường không lên tiếng trong câu chuyện sàn HOSE, bởi lẽ họ… hiểu nhiều chuyện! Bản chất của thị trường vốn là nhạy cảm, thay đổi rất nhanh, đòi hỏi tính linh hoạt cao trong quản lý điều hành trực tiếp, nhưng đây là điểm TTCK Việt Nam chưa có.

Trong khi đó, bản thân HOSE cũng đang "quá tải" với việc duy trì vận hành giao dịch bằng một hệ thống cũ, năng lực xử lý hạn chế; tiếp tục thực hiện dự án triển khai hệ thống giao dịch tổng thể theo gói thầu với KRX. Chưa kể, việc HOSE huy động vốn ngoài ngân sách để mua sắm thiết bị, tiến hành xử lý sự cố là chuyện càng không tưởng! Ngay cả khi nhận sự hỗ trợ tự nguyện từ đơn vị khác, thì Sở vẫn đối diện với việc đó có thể là một giải pháp không hiệu quả về thời gian và đầy rủi ro.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 3.

Vị thế, cách thức tổ chức ngành chứng khoán Việt Nam khác với các nước trên thế giới, nên đối diện với tình trạng nghẽn lệnh, dư luận có hai cách phản ứng khác biệt. Một bên hiểu thấu vị thế ngành chứng khoán nên… im lặng; một bên cơn giận tăng lên ngùn ngụt khi hoạt động đầu tư chịu ảnh hưởng, lại thấy ngành chứng khoán không quyết liệt đưa ra giải pháp và cũng không lên tiếng nhận trách nhiệm trực tiếp về tình trạng xử lý.

Đây cũng là lý do, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK SSI, "ông trùm" chứng khoán Việt Nam hứng chịu dư luận dữ dội khi lên tiếng hoài nghi về khả năng thành công của dự án FPT xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE trong 100 ngày.

"Hơn ai hết tôi mong hệ thống giao dịch sớm ổn định, sàn HOSE sẽ hết nghẽn lệnh khi có sự tham gia của FPT. Tuy nhiên, có sự kỳ vọng quá mức khi nhà đầu tư không hiểu rõ về hệ thống giao dịch, về cách thức vận hành thị trường. Nếu đơn giản vậy thì HNX đã tham gia xử lý nghẽn lệnh trên sàn HOSE và thực tế có nhiều vấn đề liên quan từ hệ thống, hoạt động liên kết giao dịch với các công ty chứng khoán nên thời gian 3 tháng là khó hoàn thiện", ông Hưng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông vào thời điểm bấy giờ.

Mãi tới khi giải pháp được FPT triển khai cho sàn HOSE đi vào vận hành trơn tru vào đầu tháng 7, các thành viên thị trường mới được hé lộ việc ông Hưng đã "thua độ" với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi đặt cược FPT không thể thực hiện thành công dự án, mà vấn đề nằm ở việc không thể tin với cơ chế này có thể giải quyết được.

FPT biết hết những cái khó và khiến ngay cả những người am hiểu thị trường nhất cũng phải bất ngờ. Hoá ra, FPT giỏi "đi trên dây" hơn người ta vẫn nghĩ.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 4.

Việc FPT – một đơn vị tư nhân xây dựng hệ thống giao dịch cho HOSE là chuyện chưa từng có tiền lệ cho bài toán "nghẽn hệ thống giao dịch". Sở dĩ dự án này có thể vượt rào cản cơ chế, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước, là bởi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị để doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc và lãnh đạo Bộ Tài chính rất sát sao chỉ đạo UBCK và HOSE tìm giải pháp xử lý nhanh và hiệu quả nhất. Thời điểm ban đầu là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sau đó là Bộ trưởng Hồ Đức Phớc coi nghẽn lệnh là sự cố khẩn cấp quốc gia, nên cần tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để xử lý.

Sau khi vượt rào cơ chế, FPT nhận về tay đề bài được đánh giá là… "cuộc đại phẫu". Với dự án xây dựng hệ thống KRX, với sự tư vấn quốc tế, bộ hồ sơ mời thầu có gần 1.000 câu hỏi và các bên mất 3 năm (2009-2012) chỉ để cụ thể hoá thành đầu bài cụ thể. Trong dự án xử lý sự cố nghẽn lệnh, dù quy mô nhỏ hơn, nhưng đầu bài mà FPT nhận cũng không kém cạnh về tính chất phức tạp và các yêu cầu cao.

FPT có 100 ngày để giải quyết đồng thời 3 vấn đề cốt yếu đảm bảo trải nghiệm thoải mái nhất cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Một là nâng ngưỡng chịu tải của hệ thống từ 900.000 lệnh lên 3-5 triệu lệnh/ngày, nhưng đây cũng không phải là ngưỡng cuối cùng. Hệ thống phải có được khả năng tự động nâng ngưỡng chịu tải vào bất cứ thời điểm nào đáp ứng nhu cầu tăng cao của nhà đầu tư, của thị trường. Hai là phải kết nối, liên kết được với tất cả các hệ thống hiện có của UBCK. Và ba là không được "chọc" vào hệ thống hiện có của các công ty chứng khoán.

Đặc biệt, mọi xử lý phải thực hiện chính xác tuyệt đối với thời gian tính bằng mili giây và không được phép để hệ thống ngừng hoạt động dù chỉ một giây.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 5.

Kế hoạch 100 ngày được chia làm 5 giai đoạn kín kẽ gồm khảo sát; phát triển hệ thống; giao HoSE kiểm tra tính đúng đắn; kiểm thử diện hẹp tại 24 công ty chứng khoán hàng đầu và mở ra kiểm thử diện rộng tại 73 thành viên toàn thị trường đồng thời giả lập trên hệ thống.

50 chuyên gia tinh nhuệ, có nhiều năm kinh nghiệm về nghiệp vụ tài chính chứng khoán, các kỹ sư hàng đầu về công nghệ phần mềm, hạ tầng… của FPT từ mọi đơn vị được quy tụ khẩn trương nhất có thể. Đầu tháng 5, những nhân sự cốt lõi đầu tiên vào Sài Gòn, đồng hành cùng 30 chuyên gia của HOSE để khảo sát, đánh giá trước khi bắt tay vào công việc với lịch trình cụ thể tới từng giờ.

Xác định được cách giải cho bài toán công nghệ khó 1, thì việc đảm bảo hệ thống chạy trơn tru khó 10. Với một hệ thống mới như vậy, rủi ro lớn nhất là chạy thử và kiểm soát lỗi. Trong khi vấn đề xử lý lỗi phát sinh trong quá trình thử nghiệm phụ thuộc vào sự phối hợp của các bên.

Đây cũng là trăn trở của ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS – đơn vị triển khai dự án. Tính ổn định của hệ thống mới phụ thuộc vào kết quả kết nối với nhiều thành phần khác không cùng hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc, FPT không chỉ làm việc cùng HOSE, mà còn phối hợp với các công ty chứng khoán, các đơn vị thụ hưởng, Trung tâm lưu ký… Trong khi đó, với hệ thống giao dịch chứng khoán, mọi việc phải chính xác 100% và sai sót là không thể chấp nhận.

Dự án được thực thi trong giai đoạn dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Đội ngũ FPT đã "trực chiến" ngay tại trụ sở HOSE, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngày 5/7/2021, khi hệ thống golive mượt mà, bà Đặng Thị Thanh Hương, Giám đốc Hệ thống thông tin HOSE – chuyên gia công nghệ hệ thống giao dịch chứng khoán, đồng thời là người hiểu rõ hơn ai hết những tầng lớp khó khăn khi triển khai dự án xử lý sự cố nghẽn lệnh chỉ có thể thốt lên: "Team dự án FPT là những người tinh nhuệ nhất mà tôi từng làm việc".

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 6.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 7.

Phải nói rằng, ít có dự án nào thu hút sự chú ý của dư luận như câu chuyện xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE. Đội ngũ triển khai dự án, bao gồm cả nhóm chuyên gia FPT và HOSE không chỉ chạy đua với thời gian, mà còn đối diện sức ép lớn khi hàng triệu ánh mắt theo dõi sát sao.

"Rất nhiều người quan tâm, hỏi han về hệ thống khiến sức ép ngày càng tăng. Chúng tôi làm việc khi có cả triệu người theo dõi", ông Triều chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng giống như người đi trên dây, trong tình thế ngặt nghèo, sự tự tin đến từ quá trình rèn luyện và những trải nghiệm quá khứ. Với FPT, những bài toán khó như xử lý sự cố sàn HOSE không phải chuyện lần đầu.

Trước khi bắt tay vào dự án, nhiều ý kiến hoài nghi về việc lựa chọn FPT, bởi doanh nghiệp này dường như chưa nhiều kinh nghiệm với các sản phẩm công nghệ dành cho thị trường đặc thù như thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, soi vào "hồ sơ năng lực" của đơn vị, dễ nhận ra đây là nhân vật "có số có má" với ngành tài chính.

Theo đó, FPT đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển và triển khai ứng dụng trong ngành chứng khoán Việt Nam. Từ những năm 2000, FPT phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HoSE vào hoạt động. Tiếp đó, xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán tại HNX (năm 2004), hệ thống giao dịch Upcom (năm 2009), hệ thống trái phiếu Chính phủ (năm 2012).

Đây cũng là đơn vị xây dựng hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ cho trung tâm lưu ký - VSD (năm 2008), sau đó nâng cấp hệ thống này vào năm 2010. Từ 2012 đến nay, FPT cũng là đơn vị xây dựng và triển khai nhiều ứng dụng cho ngành chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc…

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 9.

FPT là đơn vị triển khai thành công hầu hết hệ thống CNTT cho các lĩnh vực xương sống của quốc gia: chứng khoán, tài chính, kho bạc, bệnh viện, giao thông...

Với việc am hiểu quy trình hoạt động của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, thuế, kho bạc đến bệnh viện…, FPT cũng triển khai thành công hầu hết hệ thống CNTT cho các lĩnh vực xương sống của quốc gia. Trong đó, điểm nhấn phải kể tới xây dựng 2 hệ thống chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ tự động cho Napas từ cách đây 15 năm, vào năm 2006.

Napas không phải cái tên "thông dụng" với công chúng như tên tuổi các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV… vẫn thường xuất hiện. Tuy nhiên, đây lại chính là đơn vị đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.200 máy ATM, hơn 300.000 máy POS phục vụ gần 90 triệu chủ thẻ; cung cấp hạ tầng kết nối thanh toán cho hơn 40 đơn vị trung gian thanh toán; với sự tham gia của 54 Tổ chức thành viên là ngân hàng trong nước/quốc tế và tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

Việc xây dựng hệ thống huyết mạch quốc gia về thanh toán tại Napas cũng là dự án phức tạp bậc nhất: vừa đảm bảo kết nối được với tất cả các ngân hàng thành viên, vừa đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức thẻ quốc tế và tiêu chuẩn bảo mật của thanh toán quốc tế. Chưa kể, hệ thống phải có khả năng mở rộng để đáp ứng sự tăng trưởng trong tương lai.

5 tháng đầu năm 2021, 8 triệu tỷ đồng và hơn 800 triệu giao dịch là những con số được ghi nhận trên hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas, tăng trưởng tương ứng 169% và 113% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hệ thống do FPT xây dựng và triển khai vẫn… đang chạy tốt.

Năm 2016, kinh nghiệm từ dự án này cũng đã được FPT "xuất khẩu" sang Myanamar khi triển khai dự án Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar cho Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính quốc gia Myanmar (MPU). Dự án tạo ra bước ngoặt lớn cho hơn 55 triệu người dân nước này khi họ có thể dễ dàng chuyển tiền giữa các ngân hàng qua ATM một cách nhanh chóng và thuận lợi – điều mà trước đây chưa từng xảy ra.

Đáng chú ý, mãi tới khi tin tức về việc FPT cung cấp hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar xuất hiện rầm rộ trên các mặt báo, thông tin về việc doanh nghiệp này xây dựng hệ thống cho Napas mới được nhiều người chú ý tới.

Việc âm thầm tích luỹ kinh nghiệm trong quá khứ đã tạo nên năng lực và sự tự tin của FPT ngày hôm nay. Và cũng chính bởi vậy, mới có những nụ cười dù "thua độ" như ông Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ.

FPT và sở trường “đi trên dây” - Ảnh 10.

Ánh Dương

Theo Trí Thức Trẻ

Xem thêm: nhc.82641420220111202-yad-nert-id-gnourt-os-av-tpf/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“FPT và sở trường “đi trên dây””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools