Trang tin Benarnews dẫn hình ảnh vệ tinh ngày 1-11 cho thấy các tàu của Trung Quốc đã quay trở lại khu vực đá Ba Đầu với số lượng ngày càng tăng.
Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị cả Trung Quốc và Philippines yêu sách chủ quyền.
Trước đó, hàng trăm tàu của Trung Quốc hồi đầu năm nay đã tập trung gần đá Ba Đầu, động thái dấy lên căng thẳng trong khu vực và căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Philippines.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 1-11 cho thấy sự hiện diện của các tàu gần đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: PLANET LABS
Hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs được chụp hôm 1-11 và những ngày trước đó cho thấy sự hiện diện của hàng chục tàu Trung Quốc gần đá Ba Đầu, phía bắc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết số lượng tàu thuyền được ghi nhận trong hình ảnh vệ tinh gần đá Ba Đầu “đã tăng lên trong ba tháng qua”.
Theo AMTI, phần lớn trong số đó là các tàu của Trung Quốc, với chiều dài hơn 50 m.
Tổ chức này cũng cho biết các tàu của Trung Quốc dường như do lực lượng dân quân biển điều khiển, cũng như không có dấu hiệu cho thấy các tàu này đang đánh bắt cá.
Hồi tháng 8, khoảng 40 tàu Trung Quốc đã được phát hiện ở khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn, gồm cả tại đá Ba Đầu. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 10, số lượng này đã tăng lên hơn 150 tàu.
Theo AMTI, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy có thể nhận ra các tàu lớn là của Trung Quốc. Điều này cho thấy các tàu của nước này vẫn ở lại khu vực và một số thậm chí đã di chuyển gần hơn đến đá Ba Đầu.
Cuối tháng 3, Philippines công bố thông tin về việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung gần đá Ba Đầu.
Manila cáo buộc nhóm này là các tàu dân quân biển của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh phán bác các cáo buộc, nói rằng đó là các tàu cá đang trú ẩn tránh thời tiết xấu.
Theo Benarnews, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến cuối tháng 5 đã đệ trình tổng cộng 100 công hàm ngoại giao đến Trung Quốc phản đối các hoạt động của nước này ở Biển Đông.
Số lượng tàu của Trung Quốc tại khu vực đã giảm đáng kể sau đó, song truyền thông Philippines đưa tin vào giữa tháng 6, số lượng đã tăng trở lại lên hơn 200 tàu tại khu vực cụm Sinh Tồn, gồm cả gần đá Ba Đầu.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.