Trang tin Benarnews dẫn lời Tổng thống Joe Biden ngày 1-11 cho biết Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia.
Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra phát ngôn trên trong cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Indonesia – ông Joko Widodo (Jokowi) – bên lề Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, Anh.
Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo đã bàn về vấn đề tự do hàng hải, hợp tác kinh tế, cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và đại dịch COVID-19.
Tổng thống Biden: Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia. Ảnh: AFP
Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia
Trao đổi với ông Jokowi, ông Biden cho biết Indonesia là một “đối tác chiến lược quan trọng” đối với Mỹ và là một bên ủng hộ mạnh mẽ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.
“Vai trò lãnh đạo của Indonesia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất cần thiết” – ông Biden nói.
"Tôi mong muốn xây dựng nhiều hơn nữa mối quan hệ song phương của chúng ta, vì hai bên có rất nhiều điều để cùng làm việc và có rất nhiều điểm chung" – tuyên bố của Nhà Trắng trích lời ông Biden nêu.
“Từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, chấm dứt đại dịch COVID-19 đến duy trì tự do hàng hải, không có thách thức toàn cầu nào ngày nay không được hưởng lợi từ sự hợp tác của Indonesia và Mỹ” – ông Biden cho hay.
Về phần mình, ông Jokowi cho biết Indonesia sẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy của Mỹ. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực bền vững với môi trường ở nước này.
“Tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Mỹ bằng cách đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng của chúng tôi, đặc biệt là trong công nghệ carbon thấp” - ông Jokowi cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1, chính quyền ông Biden đã nỗ lực phối hợp nhằm gắn kết hơn với các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington về ảnh hưởng kinh tế trong khu vực ngày càng gia tăng.
Indonesia đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào Indonesia đã tăng gấp đôi từ mức 2,4 tỉ USD vào năm 2017 lên gần 4,8 tỉ USD vào năm 2020.
Theo Benarnews, Indonesia duy trì chính sách đối ngoại độc lập và tích cực, không nghiêng về phía cường quốc nào và tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, gần đây, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về sự im lặng của Jakarta trước các động thái của Trung Quốc tại vùng biển của Indonesia ở Biển Đông.
'Quan hệ đối tác chiến lược thực sự' giữa Pháp-Indonesia
Theo Benarnews, Mỹ không phải là nước duy nhất có động thái thúc đẩy quan hệ với Indonesia.
Thời gian qua, Pháp cũng đã có động thái tương tự, nhất là sau khi Paris mất hợp đồng lớn bán tàu ngầm cho Úc liên quan hiệp ước an ninh ba bên AUKUS.
Pháp dường như đang quay sang các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Indonesia, nhằm thúc đẩy có các mối quan hệ “thực sự”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo. Ảnh: LAILY RACHEV
Hôm 30-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với Tổng thống Jokowi bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G20) ở Rome, Ý.
“Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là một khu vực hòa bình và hợp tác. Về mặt này, Indonesia là nhân tố chính, không chỉ là một đối tác, mà còn là một người bạn” – ông Macron viết bằng tiếng Pháp trên Twitter.
Hãng AFP đưa tin hai nhà lãnh đạo đã “quyết định xây dựng quan hệ đối tác chiến lược thực sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Indonesia, cuộc hội đàm giữa ông Jokowi và ông Macron liên quan việc chuyển giao công nghệ quốc phòng và sản xuất vũ khí.
Hồi tháng 6, tại Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với người đồng cấp Pháp Florence Parly.
Thỏa thuận này bao gồm hợp tác giáo dục và đào tạo quân sự, khoa học và công nghệ, hợp tác gìn giữ hòa bình, chống khủng bố và sản xuất chung vũ khí.
Hồi tháng 7, ông Prabowo cho biết Bộ Quốc phòng Indonesia hy vọng sẽ sở hữu các máy bay chiến đấu tiên tiến, bao gồm F-15 do Mỹ sản xuất, Rafales từ Pháp, Sukhoi Su-35 và Su-57 từ Nga.