Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 17h chiều 31/10, tại quán karaoke ở xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhóm đối tượng tổ chức ăn nhậu, hát hò. Sau đó, một người trong nhóm này đặt vấn đề "đi qua đêm" với T. (16 tuổi, nữ nhân viên của quán karaoke) nhưng bị thiếu nữ này từ chối.
Ngay sau đó, các đối tượng đã ngang nhiên khống chế, ép T. lên xe bán tải. Dù nạn nhân cố gắng vùng ra, bỏ chạy trở lại sân quán karaoke nhưng vẫn bị nhiều thanh niên đuổi theo, nắm tay, ghì cổ, đẩy vào ô tô, chở đến khách sạn ở khu phố 5 (thị trấn Liên Hương).
Tại đây, một đối tượng đã đưa thiếu nữ 16 tuổi vào phòng và hiếp dâm nạn nhân.
Toàn bộ quá trình các đối tượng ép thiếu nữ lên ô tô để đưa đến khách sạn được một người ghi lại. Nội dung trong clip cho thấy có một số người khác tuy không cùng nhóm với các đối tượng phạm tội nhưng cũng không quyết liệt can thiệp, giải cứu nạn nhân.
Sáng 3/11, Đại tá Phạm Thật - thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận - cho biết đã ra quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với các nghi can có hành vi bắt cóc, hiếp dâm nữ nhân viên quán karaoke nói trên.
Sự việc trên đã gây sự phẫn nộ, bức xúc trong dư luận không chỉ về hành vi của nhóm người trên, mà còn bởi sự bàng quan, vô trách nhiệm của những người xung quanh chứng kiến sự việc. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao có thể bình tĩnh đứng quay clip mà không có động thái can thiệp nào để giúp người bị hại thoát khỏi kẻ dâm ô?
Đồng ý rằng chụp ảnh, quay clip hành vi phạm pháp là rất cần thiết để có bằng chứng làm cơ sở định tội kẻ phạm pháp. Song nếu chỉ chụp ảnh, quay clip mà không can thiệp thì chẳng những dung túng cho kẻ phạm tội mà còn đẩy chính mình vào hành vi phạm pháp.
Dư luận đặt vấn đề: Trong trường hợp này, những người chứng kiến sự việc nhưng phản ứng yếu ớt, để cho nhóm đối tượng đưa thiếu nữ 16 tuổi đi và người quay clip, trách nhiệm liên đới như thế nào?
Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị cho biết, pháp luật có điều khoản truy cứu hành vi không cứu giúp người khác khi mình có điều kiện cứu giúp. Nhiều người đã bị xử lý hình sự vì hành vi này.
Điều 4, Bộ luật hình sự quy định: "Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm". Tuy nhiên không có điều khoản nào quy định xác định trách nhiệm hình sự của việc người dân không tham gia phòng, chống tội phạm. Hành vi phản ứng yếu ớt của một số người trong clip, và cả người đứng quay đoạn clip không xác định là hành vi phạm tội.
Nhưng qua hoạt động điều tra nếu xác định được nhân viên tại quán, hoặc những người xuất hiện trong clip có hành động, lời nói tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm; thì có thể xác định người này là đồng phạm với vai trò giúp sức trong tội bắt giữ người trái pháp luật.
Những người chứng kiến sự việc trong clip không có động thái cứu giúp nạn nhân liệu có nằm trong diện thấy người bị gặp nạn mà không cứu giúp không, thưa luật sư?
- Tôi khẳng định là không. Chỉ có trường hợp người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Theo luật sư, với những vụ việc quả tang như thế này, người dân nên đứng ghi lại bằng chứng tội ác, hay can thiệp ngay để giải cứu nạn nhân?
- Để phòng chống tội phạm, công dân có nhiều cách thức: Có thể là ngăn chặn trực tiếp, báo cáo cơ quan công an, hoặc ghi nhận bằng chứng để cơ quan chức năng có căn cứ xác minh xử lý hành vi phạm tội.
Việc cứu người khi được yêu cầu và có điều kiện giúp đỡ không chỉ là vấn đề tình nghĩa mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Tùy hoàn cảnh xảy ra vụ việc, tùy theo khả năng bản thân để công dân cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp. Biện pháp tốt nhất là đảm bảo sự an toàn cho bản thân, góp phần ngăn chặn, giảm bớt tác hại của hành vi phạm tội.
Hành động can thiệp trực tiếp, ngăn cản chấp dứt hành vi phạm tội phụ thuộc nhiều vào nhận thức đạo đức về việc bảo vệ người yếu thế, chống lại cái ác, cái xấu và cả tình trạng sức khỏe của bản thân.
Khả Vân