Hàng triệu dollar "bốc hơi" chỉ trong vài phút sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào một loại tiền điện tử mới lấy cảm hứng từ “Squid Game”, loạt phim sinh tồn nổi tiếng của Netflix. Đồng tiền này tăng nóng 2.800 lần và ngay lập tức quay đầu về 0 trong vài giờ ngắn ngủi.
Tiền điện tử SQUID bắt đầu giao dịch vào đầu tuần trước với mức giá chỉ 1 xu/mã. Đầu tuần này, đồng coin điều chỉnh ở mức 38 USD/SQUID trên một sàn giao dịch tiền điện tử có tên là Pancakeswap.
Ngay sau đó, diễn biến của SQUID giống y một "tàu lượn siêu tốc". Trong khoảng 10 phút vào 1.11, giá trị của mã thông báo đã tăng từ 628,33 USD lên 2.856,65 USD (theo CoinMarketCap). Và chỉ 5 phút sau, nó lao dốc thẳng đứng xuống còn 0,0007 USD.
Theo BscScan, công cụ tìm kiếm và nền tảng phân tích blockchain, hơn 40.000 người vẫn giữ đồng SQUID sau cú sốc này. Một trong số họ là John Lee, 30 tuổi, ở Manila. Anh đã đổ 1.000 USD vào đồng SQUID vì nghĩ rằng mã token này đã được ủy quyền bởi nền tảng Netflix.
Phát ngôn viên của Netflix, bà Sharon Chan từ chối bình luận về vấn đề này.
Lý do đằng sau sự sụp đổ của SQUID hiện chưa rõ ràng. Danh tính của những người tạo ra nó vẫn là bí ẩn. Trang web của đồng tiền dường như đã được đưa vào ngoại tuyến. Email gửi đến các nhà phát triển của nó bị trả lại. Các kênh truyền thông xã hội của token này đã bị đóng cửa. Tài khoản Twitter của SQUID cũng không chấp nhận tin nhắn hoặc trả lời trực tiếp.
Nền tảng giao dịch Pancakeswap đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Giới đầu tư tiền điện tử hiện nghi ngờ rằng SQUID có phải là thứ mà Molly Jane Zuckerman, người đứng đầu bộ phận nội dung tại CoinMarketCap, gọi là “Rug Pull". Thuật ngữ này ám chỉ hàng động rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn.
Sự sụp đổ của SQUID làm lộ ra những lỗ hổng về quy định đối với tiền điện tử. Các cơ quan Chính phủ và các công ty tư nhân vẫn còn lúng túng trong kiểm soát khoản đầu cơ chuộc lợi từ tiền điện tử diễn ra ngày càng phổ biến.
Bà Yousra Anwar - biên tập viên tại CoinMarketCap - cho biết các nhà phát triển tiền meme như SQUID hiếm khi tự lộ diện. Nếu cơ quan cảnh sát nghi ngờ có hành vi vi phạm tài chính, họ có thể điều tra từ quốc gia này sang quốc gia khác, hoặc từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác.
Các nhà phát triển cố gắng giới hạn giao dịch bằng cơ chế “chống bán phá giá”. Bà Anwar cho biết các cơ chế như vậy nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bán khống tiền điện tử.
"Bất kỳ ai cũng có thể tạo nên tên của mọi loại tiền điện tử bạn muốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất ở đây là các nhà đầu tư phải tự trang bị kiến thức vững chắc cho mình", bà Anwar nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.