Sáng 3/11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ngân hàng thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã cống bố các báo cáo về "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế".
Đổi mới sáng tạo là “chiến lược đột biến” cho nền kinh tế
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các báo cáo được công bố hôm nay là thành quả của sự hợp tác trong hơn 3 năm qua của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Từ đó, Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, WB trong các nỗ lực này và đưa ra tầm nhìn của nước ta trong tương lai: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045”.
Hơn nữa, theo ông, báo cáo đã được hoàn thiện theo các tiêu chuẩn cao nhất, cung cấp các thông tin đáng tin cậy hỗ trợ việc hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn.
Từ những nghiên cứu số liệu thực tế, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: “Đổi mới sáng tạo sẽ trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho Việt Nam”. Bởi, có nhiều bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ cho thấy kết quả tốt về mặt kinh tế và cách tư duy giúp xây dựng khung chính sách giúp gắn kết nguồn lực.
Bên cạnh đó, Báo cáo còn là cơ sở để các nhà chính sách sử dụng hoạch định về chiến lược, là đóng góp khoa học, phù hợp với các lĩnh vực chính. Nhờ vậy, Việt Nam có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp, thúc đẩy hấp thụ công nghệ mới, tăng cường khả năng tiếp cận.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Hiền - Đại diện dự án Data61- CSIRO, đánh giá và đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia. Bà cho biết, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc áp dụng khoa học công nghệ, thấy sự khác biệt giữa các ngành nghề khác nhau đã và đang tận dụng kết quả của khoa học công nghệ.
Đặc biệt, ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng đổi mới công nghệ, thể hiện tỷ trọng SCI đang ngày càng tăng. Trước đây 5 năm tỷ trọng này mới ở 5% nhưng đã tăng đáng kể lên tới 20% hiện nay.
Đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Báo cáo cho thấy bức tranh khách quan, chân thực cho thấy điểm mạnh điểm yếu, chỉ ra một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo. Ví dụ, vẫn còn mất cân đối giữa việc nghiên cứu phát triển, tạo ra tri thức so với việc đầu tư, hấp thụ công nghệ tại doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có thể thúc đẩy phát triển công nghệ.
Hơn nữa, báo cáo nước đang phát triển Đông Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo của cả Chính phủ và xã hội, doanh nghiệp chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra những bước tăng trưởng mạng mẽ hơn, tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế.
Cũng trong phiên thảo luận, các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về vai trò của KHCN, cũng như thách thức trong đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế xã hội của nước ta hiện nay.
Đại diện phía doanh nghiệp Rạng Đông - ông Nguyễn Đoàn Kết khẳng định, sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp muốn bứt phá, cũng như tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, để thay đổi doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức.
Đầu tiên là về mặt nhận thức, muốn để KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển chủ yếu thì tổ chức cần thay đổi chiến lược, mô hình tăng trưởng, kinh doanh và phải thay đổi cơ chế điều hành. Phải thay đổi rất nhiều thói quen của cả tập thể, doanh nghiệp là điều không dễ dàng.
Tiếp theo, là thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển KHCN. Hiện nay, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp mà phải tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mỗi doanh nghiệp. Đây là bước lựa chọn mang tính quyết định mức độ rủi ro khi doanh nghiệp xác định đầu tư vào KHCN.
Thứ ba, về máy móc thiết bị. Với những doanh nghiệp lâu năm, các loại máy móc thiết bị đều có lịch sử và xuất xứ khác nhau qua nhiều giai đoạn, nên việc tìm ra giải pháp công nghệ, kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, khiến các loại máy có thể “nói chuyện” với nhau là điều tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Cuối cùng, doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn về tài chính. Việc đầu tư máy móc, hệ điều hành tiên tiến, bắt kịp với thế giới nhiều khi đòi hỏi vượt xa so với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.
Qua đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp để dám đổi mới cho công nghệ để phát triển bền vững hơn. Bởi hiện trạng cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối điều khiển máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0 (tự động hoá, tối ưu hoá nhờ công nghệ).
Mặt khác, Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự áp dụng KHCN trong sản xuất của một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hai năm đại dịch vừa qua, việc đầu tư đổi mới sáng tạo giúp họ vẫn duy trì được và phát triển tốt trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thách thức.