Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV
Nghiên cứu, xây dựng luật về bảo vệ nhân chứng
Báo cáo tại Hội nghị, VKSND Tối cao cho biết viện này đã tổ chức rà soát các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ nhân chứng, qua đó đề xuất Chính phủ lên chương trình nghiên cứu, xây dựng một luật riêng điều chỉnh vấn đề này.
Đây là một phần nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà VKSND Tối cao sẽ tham gia.
Ngoài sáng kiến lập pháp mới mẻ này, VKSND Tối cao còn tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn diện Bộ luật TTHS để có thể đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2025-2026, theo hướng sửa đổi toàn diện chứ không dừng lại ở một vài điều như kỳ họp Quốc hội thứ 2 đang thảo luận.
Hi vọng triển khai tòa sơ thẩm khu vực trên thực tế
Cũng trong lĩnh vực tư pháp, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV sáng nay, 3-11, TAND Tối cao cho biết từ 2021-2026, đầu mối này chủ trì soạn thảo 9 luật, pháp lệnh và phối hợp rà soát 5 luật.
Trong số này, đang chú ý là dự kiến đề xuất đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2023-2025 nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND. Hướng sửa đổi là phân tách hoàn toàn quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính tư pháp với quy trình thủ tục tố tụng tại tòa.
Về tổ chức thì lập thêm TAND Cấp cao tại TP Cần Thơ và Yên Bái, để đảm đương nhiệm vụ xét xử theo lãnh thổ với 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Như vậy sẽ giảm tải cho TAND Cấp cao tại Hà Nội và TP.HCM.
Đáng chú ý, lần sửa đổi này dự kiến sẽ triển khai trên thực tế mô hình tòa án sơ thẩm khu vực, vốn được đề ra từ 15 năm trước, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tầm nhìn 2020.
Ngoài ra, ngành tòa án sẽ nghiên cứu luật về tư pháp với người chưa thành niên, luật về hội thẩm nhân dân để đưa vào chương trình xâ dựng luật của Quốc hội năm 2023-2024. Trong đó, về hội thẩm nhân dân, TAND Tối cao đang xây dựng đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử, đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương hồi tháng 8.
Quốc hội kiên quyết từ chối dự án luật không đảm bảo chất lượng
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo và Bộ Chính trị đã cho ý kiến về đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Theo đó, cả nhiệm kỳ sẽ phải giải quyết 137 nhiệm vụ lập pháp, điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để các cơ quan triển khai các công việc của mình.
Ông Huệ lưu ý Chính phủ, các bộ ngành, và các cơ quan có trách nhiệm trong sáng kiến lập pháp cần quán triệt Kết luận 19 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác lập pháp cần chú trọng hơn chất lượng, không chạy theo số lượng.
“Kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chúng tôi nhắc lại một lần nữa, với tinh thần làm việc ngày đêm để đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển nhưng tất cả các dự án luật và dự thảo nghị quyết mà không đảm bảo chất lượng dứt khoát trả lại cho cơ quan trình.
Tôi xin khẳng định lại tinh thần này, chúng ta không thể chấp nhận dự án luật sơ sài rồi đưa ra biểu quyết sau đó một thời gian ngắn lại phải sửa mà không đáp ứng yếu cầu kiến tạo, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức nhiều hơn các hội thảo, hội nghị góp ý, phản biện dự thảo luật. Qua đó khắc phục tình trạng dự án luật được công bố, đăng tải công khai nhưng doanh nghiệp, người dân không góp ý. Đến khi ban hành thì lại “ngã nửa ra nó động tới việc nọ, động tới việc kia”.