Ngày 3.11.2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng thêm 5 USD/tấn. Ngành lúa gạo đang chuyển đổi mạnh mẽ từ lượng sang chất.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% và 25% tấm của Việt Nam đã tăng thêm 5 USD tấn, bán ra ở mức 438-442 USD/tấn (gạo 5% tấm), 413-417 USD/tấn (gạo 25% tấm). Riêng gạo 100% tấm và gạo Jasmine vẫn ổn định ở mức tương ứng 338-342 USD/tấn và 583-587 USD/tấn.
Như vậy, với mức giá này, giá gạo Việt Nam đã vượt xa gạo Thái Lan tới 60 USD/tấn (gạo 5% tấm), 43 USD/tấn (gạo 25% tấm); vượt xa giá gạo Ấn Độ tới 80 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 85 USD/tấn đối với gạo 25% tấm; vượt xa giá gạo Pakistan 75 USD/tấn (đối với cả gạo 5% tấm và 25% tấm); cao hơn giá gạo của Miến Điện 80 USD/tấn (5% tấm)…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặc dù gặp nhiều khó khăn do đứt gãy nguồn cung nhân lực và chế biến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng gạo vẫn là một trong nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức giá tăng lạc quan trong 10 tháng năm 2021 của ngành NNPTNT. Giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2021 đã đạt 528,5 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của ngành, chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, Bộ NNPTNT đang tập trung đẩy mạnh vùng sản xuất nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị… Trong đó, vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa, dự kiến sẽ hình thành khoảng 100.000ha, trước mắt triển khai tại tỉnh Kiên Giang khoảng 20.000ha, ở vùng Tứ giác Long Xuyên và tỉnh An Giang 30.000ha.
Cụ thể, tại Kiên Giang, sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo trên địa bàn 3 huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, với diện tích 20.000ha. Bộ NNPTNT sẽ đầu tư một số công trình hạ tầng, đường giao thông, cầu, thủy lợi… với tổng kinh phí khoảng 45 tỉ đồng.
Tỉnh Kiên Giang tham gia nạo vét thủy lợi nội đồng, củng cố đê bao để củng cố vùng nguyên liệu. Hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc cơ giới sản xuất, khoảng 9 tỉ đồng.
Vùng nguyên liệu sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, tích hợp các giá trị trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả, đáp ứng các điều kiện: Nằm trong vùng quy hoạch, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hiện đại hóa sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, tạo được mối liên kết sản xuất và huy động được các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng, nhưng giá lúa tươi và lúa khô tại thị trường nội địa vẫn ổn định. Tại An Giang, giá lúa IR 50404 tươi ở mức 5.000 - 5.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 (tươi) 5.800 - 6.000 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 giá 5.300 - 5.400 đồng/kg; OM 18 giá 5.700 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 giá 6.000 - 6.100 đồng/kg; lúa Nhật giá 7.500 - 7.600 đồng/kg…
Tại Hậu Giang, giá lúa cũng ổn định, phổ biến từ 5.200-6.000 đồng/kg.
Xem thêm: odl.683079-natdsu-5-meht-gnat-tab-uahk-taux-oag-aig-gnoul-tahc-oac-gnan/et-hnik/nv.gnodoal