Dịch COVID-19 ở TP.HCM và một số địa phương kéo dài, khiến nhiều người bán vé số, hàng rong, buôn bán nhỏ ở vỉa hè, chợ tạm… gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) và mạng lưới Phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) đã có chương trình Hỗ trợ vốn phục hồi kinh doanh, buôn bán nhỏ cho người lao động (NLĐ) tự do có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình này được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12, cấp vốn cho 200 NLĐ tự do gặp khó khăn tại Hà Nội và TP.HCM. Chương trình này là một phần trong dự án hỗ trợ NLĐ tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19 được tài trợ bởi Ford Việt Nam.
Chị Kim Loan vui mừng khi được nhận tiền hỗ trợ vốn từ dự án,
giúp chị tiếp tục công việc của mình. Ảnh:TL
Bất ngờ khi được cấp vốn
Dù đã ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn ngày ngày đi bán vé số dạo. Công việc này là nguồn thu nhập chính để bà chăm lo cho con trai bị tai biến nặng và con gái bị khuyết tật vận động.
Suốt mấy tháng dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cả nhà bà Hoa sống nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân.
Bà Hoa chia sẻ: “Khi TP cho bán vé số lại, tôi không biết xoay vốn ở đâu, trong mấy tháng thất nghiệp, có chút tiền dành dụm cũng đã xài hết rồi. Giờ nhận được hỗ trợ từ chương trình này với số tiền 3 triệu đồng, tôi đã có vốn để đi bán lại”.
Cũng như bà Hoa, anh Kiều Minh Trung (ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) sống bằng nghề bán vé số dạo từ năm 12 tuổi. Ngoài bán vé số, anh Trung còn có nguồn thu nhập khác từ các giải thể thao dành cho người khuyết tật. Mùa dịch, các giải thi đấu đều không được tổ chức, bán vé số cũng tạm ngừng.
Anh Trung cho biết trong thời gian thất nghiệp, anh cũng cố gắng xoay xở nhưng cũng không đủ chi phí trang trải cuộc sống.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ phường 12, quận Bình Thạnh) bị khuyết tật thính giác và công việc chính của chị là bán vé số dạo để có thu nhập lo cho gia đình. Trong thời gian dịch bệnh, giãn cách vừa qua, chị cũng thất nghiệp nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Vừa qua, anh Trung và chị Loan đều bất ngờ và vui mừng khi được nhận tiền hỗ trợ từ chương trình của VMHNĐS và SNPO.
Anh Trung và chị Loan đều cho biết với số tiền nhận được từ chương trình đã giúp họ có số vốn để tiếp tục công việc bán vé số, giúp họ có thu nhập để chăm lo cuộc sống gia đình.
Mỗi suất hỗ trợ 3-5 triệu đồng
Ngoài các trường hợp trên, nhiều NLĐ tự do khác gặp khó khăn ở Hà Nội và TP.HCM cũng sẽ được cấp vốn từ chương trình phục hồi sinh kế của VMHNĐS và SNPO.
Chương trình tiếp cận người cần hỗ trợ thông qua sự giới thiệu của các cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận thông tin, chương trình sẽ xác minh thông tin, đến thăm người cần hỗ trợ và tiến hành thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng.
Anh Kiều Minh Trung ngụ phường 3, quận Bình Thạnh được điều phối viên của chương trình đến thăm và trao tiền hỗ trợ. Ảnh: TL
Theo anh Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch SNPO, TP.HCM đã dần đi vào những hoạt động buôn bán trong bối cảnh bình thường mới. Để giúp những người nghèo thành thị, người bán hàng rong, vé số… SNPO đang triển khai dự án với 100 gói hỗ trợ để giúp họ có vốn tiếp tục công việc, ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Yên Phúc, điều phối hoạt động dự án SNPO tại TP.HCM, cho biết TP.HCM có 100 suất hỗ trợ, trong đó có 50 suất trị giá 3 triệu đồng và 50 suất trị giá 5 triệu đồng. Quyết định hỗ trợ người nhận suất 3 triệu đồng hay 5 triệu đồng sẽ căn cứ vào ngành nghề kinh doanh của họ. Tính đến ngày 3-11, chương trình đã hỗ trợ khoảng 28 trường hợp. Nguồn giới thiệu người được hỗ trợ đến từ cá nhân, tổ chức cộng đồng địa phương.
Cũng theo anh Phúc, ngoài việc cung cấp tiền vốn, dự án còn muốn tăng cường sự kết nối giữa người dân, các tổ chức xã hội như VMHNĐS, SNPO, doanh nghiệp như Ford Việt Nam và chính quyền địa phương. Do đó, nếu đối tượng cần hỗ trợ vốn còn gặp những khó khăn khác, chương trình sẽ kết nối thêm các nguồn lực khác để trợ giúp họ.
Anh Phúc chia sẻ: “Tuần trước, chúng tôi đi thăm một trường hợp bà cụ hơn 70 tuổi bán vé số nuôi hai cháu. Khi đến thăm, chúng tôi mới biết thêm hai người cháu chưa có giấy khai sinh để đi học. Cho nên chương trình đã kết nối với cơ quan chức năng ở TP.HCM nhờ hỗ trợ, giúp các cháu làm giấy khai sinh”.•
Giúp họ nuôi bản thân và gia đình một cách bền vững Chúng tôi thấy người buôn bán nhỏ, hàng rong đã gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài thất nghiệp. Hỗ trợ vốn để phục hồi các hoạt động sinh kế sau giãn cách xã hội chính là cách giúp họ nuôi bản thân và gia đình một cách tự chủ và bền vững. Chúng tôi cũng mong các cá nhân, tổ chức không chỉ dừng lại ở hỗ trợ từ thiện trong dịch mà nên tiếp tục hỗ trợ người nghèo phục hồi sinh kế sau dịch. Điều này không chỉ có hiệu quả lâu dài cho người nghèo, mà còn giúp nền kinh tế phi chính thức phục hồi nhanh hơn. Anh LÊ QUANG BÌNH, điều phối viên của VMHNĐS |