Mới đây, KIDO Group đã thông tin rằng: họ sẽ chào mua cạnh tranh công khai 44,2 triệu cổ phiếu Vocarimex, do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu, qua đấu giá.
Trước đó, SCIC đã thông báo việc tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 44,2 triệu cổ phiếu VOC, tương đương 36,3% vốn. Giá khởi điểm cả lô 1.255,6 tỷ đồng, tương đương 28.400 đồng/cp. Phiên đấu giá tổ chức vào 14h30 ngày 8/11 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tham gia đấu giá.
Hiện cổ đông lớn nhất của Vocarimex là Tập đoàn KIDO sở hữu 51% vốn. Nếu giao dịch thành công, KIDO sẽ nâng sở hữu Vocarimex từ 51% lên 87,3%. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Ban lãnh đạo Kido đã tiết lộ kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên gồm KIDO Foods (KDF), Vocarimex, Dầu thực vật Tường An (TAC), KIDO Nhà Bè.
Hiện phương án sáp nhập với Dầu thực vật Tường An bị vướng phần vốn nhà nước tại Vocarimex nên chưa thể thực hiện. Do vậy, việc mua lại phần vốn Vocarimex thuộc sở hữu SCIC là nút thắt Kido cần thực hiện để đẩy nhanh tiến trình hợp nhất các đơn vị thành viên.
KIDO Group công bố thông tin chào mua công khai 44,2 triệu cổ phần Vocarimex.
Nhìn vào quá khứ, có thể thấy hành trình thoái vốn nhà nước của SCIC khá vất vả.
Trước đó, SCIC từng 2 lần tổ chức bán đấu giá 44,2 triệu cổ phần Vocarimex tương đương 36% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia nên phiên đấu giá bị hủy bỏ.
Trong lần thứ 3 dự kiến tổ chức cuối năm 2020, phiên đấu giá dự kiến được tiến hành với giá khởi điểm 18.540 đồng/cổ phiếu, dự thu tối thiểu 819 tỷ đồng. Có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua trọn lô cổ phần gồm Tập đoàn KIDO (mã HoSE: KDC) và cá nhân Trần Hoàng Nam.
Nếu giao dịch thành công, KIDO sẽ nâng sở hữu Vocarimex từ 51% lên 87,3%. Còn cá nhân Trần Hoàng Nam không sở hữu cổ phiếu VOC nào trước đó. Sự tham gia của ông Trần Hoàng Nam được cho là điều kiện cần để buổi đấu giá cổ phần Vocarimex có thể diễn ra. Bởi theo quy định, một cuộc đấu giá chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai nhà đầu tư tham dự.
Tuy nhiên, phiên đấu giá lần thứ 3 này bị hoãn vào phút cuối do vướng Nghị định 140/2020/NĐ-CP. Mức giá mà SCIC đưa ra tại thời điểm đó là 18.540 đồng/cp, tương đương giá trị cả lô đạt 819 tỷ đồng.
Vocarimex được thành lập từ năm 1976 với 5 nhà máy quốc doanh trực thuộc là nhà máy dầu Nakydaco (nay là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình), nhà máy dầu Tauanco (nay là Công ty CP Dầu thực vật Tường An), nhà máy hộp chiếc Standard (nay là Công ty cổ phần Bao bì Hộp thiếc Cầu Tre), nhà máy dầu Navioil (nay là Công ty Dầu ăn Golden Hope - Nhà Bè) và nhà máy dầu Vinadaco (nay là Công ty cổ phần Dầu thực vật Thủ Đức).
Ngành nghề chính của Tổng công ty này là kinh doanh dầu mỡ động thực vật, tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, xuất nhập khẩu và kinh doanh vật tư, nguyên liệu, dầu thực vật,…
Năm 2017, KIDO Group đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên 51% tại Vocarimex thông qua hình thức chào mua công khai. Trong cơ cấu cổ đông của VOC tại ngày 20/5/2021 gồm: cổ đông trong nước nắm 121.740.190 cp, chiếm 99,95% - trong đó, cá nhân nắm giữ 10,32% và tổ chức nắm 89,63%; cổ đông nước ngoài nắm giữ 59.810 cp, chiếm 0,049% - trong đó, cá nhân là 0,024% và tổ chức là 0,025%.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2021 đã soát xét, Vocarimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 742,8 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 119,7 tỷ đồng; hơn gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận cả năm theo kế hoạch đề ra.
Năm 2021, VOC dự kiến doanh thu đạt 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 57 tỷ đồng.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị