Theo thống kê, lượng heo thịt đang tồn ứ tại chuồng tới 8 triệu con, giá heo hơi xuất chuồng rớt mạnh chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng. Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam chín tháng đầu năm là 125.600 tấn và vẫn đang tăng.
Người nuôi heo lỗ 10.000-20.000 đồng/kg
Những ngày này ở “thủ phủ” chăn nuôi heo Đông Nam bộ, giá heo hơi giảm thê thảm, người chăn nuôi khóc ròng vì có khi lỗ 2-3 triệu đồng/con.
Ông Trần Văn Quang, chủ một trại heo ở Đồng Nai, cho biết rất ít trang trại bán được heo hơi với giá 40.000 đồng/kg (đối với heo loại 1, dưới 120 kg/con). Với heo loại 2 (dưới 130 kg/con) có giá bán chỉ còn trên dưới 35.000 đồng/kg. Đáng nói là nhiều trường hợp do heo tồn ứ trong trại quá lâu không bán được nên có trọng lượng lớn trên dưới 140 kg/con, giá bán còn rớt thê thảm hơn với dưới 30.000 đồng/kg.
Ông Quang ước tính với giá thành chăn nuôi hiện trên 50.000 đồng/kg thì người nuôi heo đang lỗ nặng, khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. “Giá heo hơi rẻ như rau mà vẫn ít thương lái hỏi mua vì dù TP.HCM mở cửa trở lại nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp so với trước dịch. Cạnh đó, thịt heo nhập khẩu vẫn tăng mạnh cạnh tranh rất lớn nên giá heo hơi mới rớt giá bán dưới giá thành” - ông Quang nói.
Trong chín tháng đầu năm 2021 tổng cộng lượng thịt heo nhập khẩu là 125.600 tấn. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với thời điểm trước dịch, đẩy giá thành chăn nuôi heo tăng cao. Người nuôi heo phải mua con giống (2,5 triệu đồng/con), chi phí thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng, thêm chi phí thuốc và công chăm sóc thì giá thành tổng cộng mất hơn 6 triệu đồng/con. Nếu người nuôi chủ động được con giống thì giá thành thấp hơn nhưng cũng mất trên 5 triệu đồng/con.
Với giá heo xuất chuồng chỉ 30.000-40.000 đồng/kg heo hơi, ông Đoán cho rằng người nuôi heo đến khi xuất chuồng sẽ lỗ 2-3 triệu đồng/con. Đáng nói là hiện nay cả nước đang tồn trong trại khoảng 8 triệu con heo, trong khi lượng thịt heo nhập khẩu vẫn tăng mạnh mỗi tháng.
“Sắp tới có khoảng 250.000 tấn thịt được cấp phép nhập khẩu, tính ra tương đương khoảng 4 triệu con heo sống nữa thì giá heo trong nước không thể cải thiện. Nếu tiếp tục nhập khẩu kiểu này thì chăn nuôi trong nước sẽ chết vì thua lỗ” - ông Đoán lo lắng.
Nguyên nhân và lối ra
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết hiện nay việc nhập khẩu thịt đông lạnh từ các nước đều không có hạn ngạch nhập khẩu (quota) nên các doanh nghiệp có thể tự do nhập.
Theo ông Trọng, trong chín tháng năm 2021, cả nước đã nhập khẩu 125.600 tấn thịt heo, chủ yếu từ các thị trường Nga (34%), Đức (25%), Ba Lan (13%)… Lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh tiếp tục tăng nhanh, do các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất trong nước. Ngoài trứng phải có quota thì các sản phẩm chăn nuôi đều không có hạn ngạch mà do các doanh nghiệp khảo sát thị trường và tự đàm phán, nhập khẩu theo quy định về an toàn thực phẩm.
Ông Trọng lý giải việc nhập khẩu thịt tăng mạnh thời gian qua là do vào thời điểm năm 2020 giá heo hơi và thịt heo bán lẻ tăng cao, nguồn cung giảm do dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, do dịch bệnh COVID-19 nên các nhà máy giết mổ heo sống trong nước đóng cửa, thị trường phụ thuộc vào lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu.
Hiện nay, khi nguồn cung trong nước đang dư thừa thì Bộ Công Thương cần tổng hợp số liệu, cân đối lại cung cầu để có chính sách phù hợp điều tiết số lượng thịt heo và các loại thịt khác nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trọng kiến nghị: “Việc nhập khẩu thịt hiện không có quota nên để hạn chế lượng thịt nhập thì các cơ quan quản lý cần có hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ đối với mặt hàng này như dư lượng kháng sinh, tồn dư chất cấm…”.
Theo phân tích của ông Trọng, giá thành chăn nuôi trong nước vẫn cao do giá thức ăn chăn nuôi cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn nhập khẩu. Vì vậy, để chăn nuôi bền vững, giảm giá thành, người nuôi không bị lỗ thì phải tổ chức nuôi theo chuỗi liên kết. Chỉ có liên kết thì người nuôi heo mới giảm được nhiều chi phí, tận dụng được nguồn thức ăn lấy nguyên liệu trong nước.
Để giá heo nhập không giết heo trong nước, ông Nguyễn Kim Đoán đề xuất cơ quan quản lý xem xét việc cấp quota cho thịt nhập khẩu. Tùy từng thời điểm khác nhau, nhất là trong bối cảnh heo trong nước dư thừa, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì nên có chính sách hạn chế thịt nhập khẩu.
Biện pháp khác theo ông Đoán là các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, chuyển giao về vaccine đối với loại bệnh dịch tả heo châu Phi. “Các trang trại nuôi heo trong nước cũng cần hướng tới giải pháp sản xuất an toàn sinh học, nuôi heo theo chuỗi khép kín để tránh lây nhiễm dịch bệnh” - ông Đoán chia sẻ.
Hội Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng kiểm soát heo nhập khẩu Hội Chăn nuôi Việt Nam mới đây đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Lý do là có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến. Cụ thể năm 2020 so với năm 2019, nhập khẩu thịt heo tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu, bò tăng 44%. Việc này đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Hội Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp, nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển. Cần mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn. Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt. Ngoài ra, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất. |