Bến lăng Thiên Thọ bên sông Tả Trạch, một nhánh ở thượng nguồn sông Hương - Ảnh tư liệu
Điều đó có xảy ra với người đã tìm ra cuộc đất "vạn niên cát địa" để xây dựng sơn lăng của vua Gia Long hay không?
Tìm ra cát địa nhưng suýt bay đầu
Sách Đại Nam Thực Lục (ĐNTL) - bộ chính sử của triều Nguyễn - chép rằng khi hoàng hậu chánh phi của vua Gia Long qua đời (tức Thừa Thiên Cao hoàng hậu), vào tháng 3 năm Giáp Tuất 1814, vua sai hai vị quan Tống Phước Lương và Phạm Như Đăng cùng nhà địa lý Lê Duy Thanh đi xem các núi tìm đất để làm lăng mộ cho hậu và sẽ là nơi an nghỉ nghìn thu của vua, theo cách hợp táng. Nhà địa lý gieo quẻ bảy lần, chỉ có núi Thọ Sơn là tốt. Vua đến xem thấy đất ấy vượng khí chung đúc, các núi xung quanh chầu về, đúng là "vạn niên cát địa".
Trong cuộc tìm kiếm hệ trọng này đã xảy ra một sự bất đồng giữa vua và nhà địa lý, sách ĐNTL không thấy ghi, nhưng nhiều sách vở sau đó đã kể lại. Trong bài chuyên khảo "Lăng Gia Long" đăng trên tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué năm 1923, linh mục kiêm nhà khảo cứu L.Cadiere viết rằng khi đứng trước quần sơn Thiên Thọ, nhà địa lý Lê Duy Thanh muốn chọn ngọn núi nằm phía bên kia hồ bán nguyệt để đặt huyệt mộ.
Vua cưỡi voi đến kiểm tra lại nhưng không chuẩn y vị trí thầy địa lý chỉ, mà quyết chọn vị trí sau đó đã xây dựng lăng mộ của hậu và vua trên ngọn núi được vua đặt tên là Chánh Trung Sơn. Vua nói với thầy địa lý: "Nếu người ta khảo sát long mạch thì địa thế ở đây chắc chắn phải là xứng đáng cho một ngôi lăng tẩm. Phải chăng nhà ngươi muốn dành huyệt đất này để táng hài cốt của thân phụ ngươi?". Lê Duy Thanh cúi lạy và xin vua tha tội chết.
Được vua giao việc lớn
Đọc kỹ các sách sử triều Nguyễn thấy vua Gia Long quý tài của nhà địa lý Lê Duy Thanh nên đã giao nhiều việc, trong đó có việc hệ trọng quyết định hậu vận của cả triều đại là tìm huyệt mộ của đế vương và hoàng gia. Trước đó, khi thân mẫu nhà vua qua đời (năm 1811), vua Gia Long cũng đã giao Lê Duy Thanh chọn đất đẹp cho sơn lăng.
Lê Duy Thanh đã chọn đất ở làng Định Môn, có núi Thọ Sơn, vẽ họa đồ rồi dâng lên. Vua sai bói thì thấy tốt, bèn đến xem. Theo sách Quốc sử di biên (QSDB), Lê Duy Thanh nói: "Đào đến huyệt, tất sẽ có đất ngũ sắc, quả nhiên đúng như vậy. Vua lấy lạ bèn ban thưởng".
Sau lần tìm huyệt mộ cho vua và hoàng hậu khiến ông suýt đại nạn, thì lại gặp chuyện bất đồng trong đám tang vua Gia Long. Quan Khâm thiên giám (cơ quan khí tượng - thiên văn - địa lý của triều đình) là Hoàng Công Dương chọn ngày 16 tháng 4 để an táng, trong khi nhà phong thủy - địa lý Lê Duy Thanh lại chọn ngày 29 tháng 3. Các quan đều lấy ngày do Hoàng Công Dương chọn. Vua Minh Mạng bèn nghe theo.
Những bất đồng như thế vẫn chưa dừng lại, khiến cho Lê Duy Thanh ngày càng cô độc trong chốn cung đình. Sau đó, không còn thấy nhà phong thủy - địa lý Lê Duy Thanh tham gia vào việc tìm kiếm "vạn niên cát địa" cho triều đình nữa. Vua Minh Mạng đã giao việc đó cho nhà địa lý Lê Văn Đức. Nhà địa lý Lê Duy Thanh là ai mà lao đao như thế?
Nhà địa lý Lê Duy Thanh tìm thấy "vạn niên cát địa" để xây lăng mộ ở núi rừng Thiên Thọ - Ảnh: NGUYỄN PHONG
Lê Duy Thanh là ai?
Duy Thanh là tên tự của Lê Quý Kiệt, con cả của nhà bác học Lê Quý Đôn - người đã từng làm quan đến chức bồi tụng (tương đương phó tể tướng) của triều Lê, bên cạnh chúa Trịnh. Sách ĐNTL chỉ ghi tên là Lê Duy Thanh. Sách Đại Nam Liệt Truyện chép truyện hàng trăm vị quan lớn nhỏ của triều Nguyễn, nhưng tuyệt nhiên không chép một dòng nào về Lê Duy Thanh.
May sao, sách QSDB của sử gia Phan Thúc Trực đã chép lại khá nhiều dòng về nhân vật bí ẩn này. PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: "QSDB là bộ sử chép những sự kiện lịch sử còn sót lại mà bộ quốc sử ĐNTL vì nhiều lý do khác nhau đã không chép".
QSDB chép rằng: "Quý Kiệt con của Lê Quý Đôn, sinh năm Giáp Tuất 1754, tự là Duy Thanh, đã đậu Hương cống nên nhàn tản ở nhà, sau khi được bổ chức Cai tả tiệp quân, phong tước Dụ trạch hầu. Gặp lúc nước có biến, Quý Kiệt lưu lạc khắp rừng sâu khe suối...". Khi vua Gia Long mới lên ngôi, đã cho tìm kiếm những người còn sót, kẻ còn ẩn dật, ra giúp nước.
Quý Kiệt tìm đường vào kinh, bái yết đức vua và dâng lên những bộ sách của cha là Lê Quý Đôn. Sau khi nghe bản điều trần của Quý Kiệt về những việc đã xảy ra ở Bắc Thành (nghĩa rộng là cả vùng miền Bắc), vua khen ông học thuật sâu sắc nên giao chức vụ và sai dạy học cho các hoàng tử.
Sau lần ra mắt vua (năm 1804), đến tháng giữa năm 1811, ông được vua triệu về kinh, ban chức Đông các học sĩ để chuẩn bị cho việc biên soạn sách Quốc triều thực lục. Tháng 8 Giáp Tuất 1814, Đông các học sĩ Lê Duy Thanh được phong Thị trung trực học sĩ kiêm Thái thường tự khanh, tham bồi bộ Lễ.
Theo QSDB, "Lê Quý Kiệt vốn người điềm tĩnh, hiếu cổ, ưa giữ lễ nghi, những bạn đồng liêu đa phần không hợp". Khi trông coi việc xây dựng ở lăng vua Gia Long, Quý Kiệt lại đụng độ với quan doanh tượng, do không chịu vái chào, khiến vua Minh Mạng phải phân giải.
Ngay trong tháng giêng Canh Thìn 1820, vua Minh Mạng đưa Thị trung trực học sĩ Lê Duy Thanh ra Bắc, làm hiệp trấn (chức quan đứng đầu của trấn) Sơn Nam Thượng. Tưởng rằng xa kinh đô, về gần quê nhà (làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là tỉnh Thái Bình) hiềm khích sẽ bớt đi, nhưng tai ương vẫn cứ bám đuổi Lê Quý Kiệt.
Hai quan tổng trấn: "Tội Thanh đáng giết"
Mùa đông Tân Tỵ 1821, tháng 11, vua Minh Mạng đang ở Bắc Thành (Thăng Long), có người tố cáo quan hiệp trấn Sơn Nam Thượng là Lê Duy Thanh ăn hối lộ. Vua sai tra xét thì Duy Thanh kêu oan và đòi thay người xét xử. Vua sai giải về kinh đô (Huế) đợi vua trở về thì xử. Khi trở lại kinh, vua giao bộ Hình xét trị, tuyên án rồi đưa Lê Duy Thanh đi Quảng Bình làm việc công chuộc tội.
Nhưng rồi ba năm sau (1824), cả hai vị đại quan là tổng trấn Gia Định - Lê Văn Duyệt và tổng trấn Bắc Thành - Lê Chất đều bất ngờ dâng sớ xin từ chức. Vua gặng hỏi mãi thì Lê Chất nói: "Trước kia cái án Lê Duy Thanh tham tang, thần cùng Hình tào xét hỏi, tội Thanh đáng giết. Đến khi giao triều đình xét, lại được giảm nhẹ, ấy là phép không đủ tin với dân, nên thần không thể làm việc được". Vua sai lấy bản án Duy Thanh giao cho Lê Chất xem lại. Những thông tin này do sách ĐNTL ghi lại.
Sách QSDB thì biên rằng khi vua từ Bắc Thành ngự giá về lại kinh, đưa Lê Quý Kiệt ra xét xử. "Kiệt dâng biểu tự làm rõ sự tình nên được miễn xét xử, cho phép đi hiệu lực (làm việc không công) ở Quảng Bình. Chưa được bao lâu thì bị triệu về làm Hình bộ tham tri Bắc Thành. Sau về hưu dưỡng". Năm đó, ông 67 tuổi.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (Huế) cho rằng nỗi lao đao của nhà địa lý Lê Duy Thanh không phải là số phận bạc bẽo của người nắm giữ bí mật lăng mộ của vua, như người đời thường nói, mà vì những lý do khác.
Lê Duy Thanh là con của một vị quan lớn của triều Lê, học hành và đỗ đạt ở Đàng Ngoài, nên trong mắt các vua Nguyễn, vẫn là người của "ngụy Trịnh". Vua Gia Long chỉ cậy dùng thôi, chứ chưa hẳn đã tin dùng. Đến thời vua Minh Mạng cũng vậy. Lê Duy Thanh biết điều đó, nên đã chọn cách về quê an trí mới có thể yên thân.
***********
>> Kỳ tới: Bí ẩn rừng thông sơn lăng
Vào chốn lăng mộ mà cứ ngỡ lạc vườn cổ tích với rừng thông đẹp mê hồn. Du khách nào đến đây cũng tưởng rừng thông đã có sẵn như cái tên Thiên Thọ, nghĩa là trời ban cho. Hóa ra không phải. Mỗi cây thông ở đây chứa một bí ẩn lịch sử.
TTO - Ở nơi đó vẫn còn nguyên hai ngôi mộ của vua và hậu nằm sát cạnh nhau. Đây là trường hợp duy nhất của vua chúa Việt Nam, mộ hoàng hậu nằm ngay bên cạnh mộ hoàng đế, cùng kích thước, cùng kiểu dáng, không một sự phân biệt.