Ngày 27/10 tại Hà Nội, Công ty BH Media đã tổ chức họp báo về “Bản quyền âm nhạc trên môi trường số”, trong đó có đề cập đến vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son bị “đánh gậy bản quyền” trên Youtube , cũng như việc một số nhạc sĩ phản ánh về hợp đồng ký với BH Media mà họ cho là “không minh bạch”.
Giáng Son bị “đánh gậy bản quyền” là hiểu nhầm?
Bản quyền nhạc số lâu nay vẫn là lĩnh vực có nhiều tranh chấp và vi phạm. Với trường hợp nhạc sĩ Giáng Son, sau khi chia sẻ bài hát “Giấc mơ trưa” do chính cô sáng tác, sản xuất, với giọng hát Khánh Linh, nằm trong album “Giáng Son” (2007) lên kênh Youtube của mình thì bị phía BH Media “đánh gậy bản quyền”.
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết, trước đó, nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" để đi diễn và làm CD. CD do bên Hồ Gươm Audio Video phát hành sau đó đã được BH Media mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube.
Về phía BH Media, công ty khẳng định, việc đánh bản quyền trên Youtube chỉ là sự nhầm lẫn. BH Media hiện là đơn vị đăng ký quyền sở hữu ca khúc “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên Youtube. Khi phát hiện bài hát của Giáng Son đăng tải, cơ chế quét tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.
Thông báo này nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Do đó, vụ việc ồn ào là do nhạc sĩ Giáng Son hiểu lầm về bản quyền trên Youtube.
Đại diện Công ty BH Media khẳng định: “Ngay khi biết thông tin nhạc sĩ Giáng Son phản hồi về vụ việc trên Facebook, BH Media đã liên hệ với nhạc sĩ Giáng Son để làm việc cụ thể nhưng nhạc sĩ đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để xử lý. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được liên hệ từ phía bên VCPMC.
Cũng ngay sau khi sự việc xảy ra, BH Media đã "nhả" bản quyền bài hát cho nhạc sĩ Giáng Son. Bản ghi chúng tôi sở hữu là bản ghi do bên Hồ Gươm Audio Video cung cấp, không phải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son”.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Giáng Son, cô không ký độc quyền ca khúc này cho bất kỳ bên nào, cũng không ký với Hồ Gươm Audio Video và BH Media nên việc cô bị đánh bản quyền là điều vô lý. Bản thân nghệ sĩ Dương Thùy Anh cũng không biết việc Hồ Gươm bán quyền khai thác tác phẩm cho BH Media.
Trả lời về vấn đề này, phía BH Media cho biết, họ chỉ ký kết với Hồ Gươm Audio Video để khai thác các bản ghi trên môi trường nhạc số, không liên quan đến việc tranh chấp bản quyền: “Chúng tôi làm việc có đầy đủ hợp đồng, giấy phép khai thác ký giữa BH Media và Hồ Gươm. Còn nếu giữa Hồ Gươm và các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sự vướng mắc về bản quyền thì giữa các bên phải tự giải quyết với nhau”.
Trong cuộc họp báo của BH Media không có đại diện của phía nhạc sĩ Giáng Son, nghệ sĩ Dương Thùy Anh, Hồ Gươm Audio Video hay VCPMC nên không có sự trao đổi cũng như làm rõ nhiều vấn đề khác vẫn còn vướng mắc về vụ việc. Trong đó có việc, Hồ Gươm Audio Video có những quyền gì với ca khúc "Giấc mơ trưa" của Dương Thùy Anh? Hồ Gươm có quyền bán tác phẩm cho một bên khác khai thác mà không thông báo cho nghệ sĩ và nhạc sĩ hay không? Khi Hồ Gươm bán bản quyền cho BH Media, ca sĩ, nhạc sĩ có được chia phần trăm hay hưởng lợi nhuận gì hay không? Việc Hồ Gươm bán "đổ đống" cho BH Media hàng nghìn bài hát liệu đã xin phép từng chủ sở hữu cụ thể hay không?
Về tiền tác quyền, theo BH Media, Youtube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh và Youtube sẽ trả phí tác quyền về cho VCPMC - đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền. Do không có mặt của nhạc sĩ Giáng Son hay đại diện VCPMC nên không thể biết số tiền này bắt đầu được tính cho nhạc sĩ Giáng Son từ bao giờ và VCPMC có thu được khoản tiền này hay không?
Bản thân BH Media, khi ký mua hàng nghìn bài hát với Hồ Gươm cũng không kiểm tra chặt chẽ về vấn đề bản quyền, dẫn đến xảy ra vụ việc hàng loạt nhạc sĩ lên tiếng tố cáo trong ngỡ ngàng vì không bán cho BH Media, nhưng lại bị BH Media cảnh báo bản quyền.
Hợp đồng “không minh bạch” với các nhạc sĩ
Trước đó như VOV đã đưa tin, nhiều nhạc sĩ như Trần Thanh Tùng, Hoàng Sông Hương, Bảo Chấn lên tiếng vì những hợp đồng mà họ cho rằng “không minh bạch”, “có dấu hiệu lừa dối” mà BH Media ký với họ. Trong buổi họp báo, BH Media cũng đã đưa ra lời giải thích cho từng trường hợp và cho rằng các nhạc sĩ nói sai sự thật.
Cụ thể, nhạc sĩ Bảo Chấn và vợ cho rằng: Hợp đồng có sự thay đổi trước và sau khi thỏa thuận. BH Media lờ đi khi nhạc sĩ Bảo Chấn yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
BH Media cho biết trong cuộc họp báo: “Quá trình trao đổi với nhạc sĩ Bảo Chấn đã từ lâu, làm việc cặn kẽ, trao đổi đàng hoàng từng điều khoản hợp đồng cũng như môi trường phân phối. NS Bảo Chấn vẫn để VCPMC khai thác phần biểu diễn, còn BH Media khai thác phần nhạc số. Tuy nhiên, trước đó, vợ nhạc sĩ Bảo Chấn đã ủy quyền cho VCPMC, thành ra có sự chồng chéo. BH Media không biết được việc trong nhà nhạc sĩ như nào. Chúng tôi chỉ làm việc với Bảo Chấn”.
"Chiêu trò" xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ngày càng khó lường
VOV.VN - Nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số.
Về trường hợp nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, 2 tháng sau khi ký kết BH Media vẫn không trả hợp đồng sao lưu lại cho nhạc sĩ. Sau nhiều lần không liên lạc được, ông phải đến tìm đến tận công ty. Tuy nhiên, hợp đồng trả về cho nhạc sĩ giữ lại không có dấu giáp lai, nội dung hợp đồng thay đổi (lúc ký 3 bài nhưng hợp đồng lại ghi là tuyển tập), hợp đồng chỉ đề người đại diện mà không ghi rõ tác giả nhạc, tác giả lời.
BH Media cho biết: “Những điều nhạc sĩ nói là trên góc độ chủ quan, những gì nhạc sĩ nghĩ chứ không đúng sự thật. Công ty có địa chỉ rõ ràng, số điện thoại hotline công khai. Quá trình trao đổi làm việc với nhạc sĩ Trần Thanh Tùng kéo dài hơn 1 năm, không lý do gì nhạc sĩ lại không hiểu, không biết để nói không liên hệ được.
Về chuyện ký 3 bài nhưng ghi là tuyển tập, thực ra tuyển tập này cũng chỉ có 3 bài. Người làm hợp đồng ghi là tuyển tập và liệt kê ra 3 bài, tức là chỉ khác về câu từ, soạn thảo hợp đồng phù hợp với thủ tục, cho gọn, để sau này không phải liệt kê dàn trải. Lúc ký hợp đồng đã như thế rồi”.
Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng bức xúc vì hợp đồng bản quyền âm nhạc thiếu minh bạch
VOV.VN - Không chỉ nhạc sĩ Thanh Tùng, nhiều nhạc sĩ cũng lên tiếng gay gắt về những hành vi ứng xử thiếu minh bạch, dùng chiêu trò đánh tráo khái niệm để lừa dối các nhạc sĩ ký vào những hợp đồng bản quyền không rõ ràng.
Về hợp đồng của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương không có dấu đỏ, không có số chứng minh thư của nhạc sĩ. Nhạc sĩ chỉ đồng ý ký trao quyền khai thác ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” trong một thời gian nhưng lại bị đánh tráo bằng một văn bản khác mà nội dung lại ghi là được quyền sử dụng suốt đời.
BH Media cho biết: “Tất cả thông tin trao đổi hợp đồng với nhạc sĩ đều diễn ra trong quá trình tương đối dài, nhất là những nhạc sĩ có tác phẩm nổi tiếng, các nhạc sĩ phải cân nhắc cẩn thận. Trong quá trình đó đều gửi hợp đồng trước cho các nhạc sĩ để xem xét.
Với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, BH Media không gặp trực tiếp để ký vì nhạc sĩ ở xa, mà chính nhạc sĩ in hợp đồng, ký nháp vào từng trang và gửi ra cho BH Media. Không có cớ gì lại không biết hợp đồng như nào”.
Tại buổi họp hôm nay, cũng không có các nhạc sĩ hoặc đại diện để đối chất trực tiếp và làm rõ vụ việc với BH Media./.
Thanh Vân
VOV