Bộ Tài chính vừa công bố kết quả giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ (LPTB).
Trước đó, đầu tháng 8/2021, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB và gửi xin ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xin ý kiến của các hiệp hội, tổ chức..., đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, cá nhân.
Bộ Tài chính cho biết, các ý kiến tham gia đã được cơ quan này tổng hợp, giải trình, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.
Điểm đáng chú ý nhất trong phần giải trình về dự thảo Nghị định sửa đổi vừa được công bố là Bộ Tài chính lên phương án quy định mức LPTB lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.
100% BỘ NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG CHO Ý KIẾN CÙNG NHẤT TRÍ PHƯƠNG ÁN
Theo kết quả tổng hợp, Bộ Tài chính cho biết toàn bộ 31 đơn vị (11 bộ, ngành và 20 địa phương) cho ý kiến đều nhất trí với dự án sửa đổi, bộ sung của Nghị định 140.
Trước đó, tại tờ trình về Dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô , rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thu LPTB đối với ô tô nội bằng 50% mức phí thông thường từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022.
Trong trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/20.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án, ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5-7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Như vậy, với phương án "quy định mức LPTB lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo" trong giải trình, mức ưu đãi về LPTB đối với ô tô điện đã được Bộ Tài chính mở rộng hơn về tỷ lệ giảm LPTB và thu hẹp hơn về thời gian được hưởng ưu đãi.
Đáng chú ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đề xuất quy định LPTB 0% với ô tô điện chạy pin để khuyến khích phát triển dòng xe này. Số hụt thu từ thuế TTĐB và LPTB, theo VCCI sẽ được bù đắp bằng số tăng thu từ thuế GTGT và thuế TNDN từ các doanh nghiệp sản xuất.
Trong khi đó, một số bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải nêu ý kiến đề xuất "không thu LPTB trong vòng 5 năm đầu" để khuyến kích doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe chạy điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, vì để tránh gây áp lực quá nhiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách tại các địa phương, Bộ Tài chính cho biết đã đưa ra phương án về mức giảm và thời gian như trên.
KHÔNG BỔ SUNG XE MÁY ĐIỆN HƯỞNG MỨC ƯU ĐÃI LPTB VÌ LO NGẠI XE NHẬP KHẨU
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đề nghị xem xét bổ sung "xe máy điện" vào đối tượng hưởng mức ưu đãi LPTB như đối với "ô tô điện chạy pin" để đảm bảo tính thống nhất theo quy định tại khoản 7 Điều 65 Luật BVMT.
Phản hồi đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành thì mức thu LPTB lần đầu đối với xe máy (trong đó có xe máy điện) là 2%; riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND đóng trụ sở là 5%. Đây là mức thu không cao, theo Bộ Tài chính.
Cơ quan này cũng giải trình thêm, việc thực hiện ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin là nhằm góp phần hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Còn hiện nay, ở Việt Nam số lượng xe máy đang lưu hành là khoảng gần 40 triệu xe máy, trong đó xe máy điện nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) chiếm tỷ trọng lớn, nên nếu thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe máy điện thì lượng xe máy điện nhập khẩu gia tăng, từ đó sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc thải ra pin xe máy điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước như Thành Công Motor và Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đưa ra đề nghị mở rộng quy định LPTB cho dòng xe điện hóa, Hybrid hay công nghệ Hybrid xăng kết hợp điện...
Trước đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc sử dụng một số loại xe điện hóa vẫn gây ra ô nhiễm môi trường như các loại xe chạy bằng xăng khác. Như 2 loại xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong.
Hay loại xe điện nhiên liệu hydro dù có ưu thế lớn so với xe ô tô điện chạy pin khi thời gian tiếp nhiên liệu ngắn, tuy nhiên khi nạp cần có các trạm tiếp nhiên liệu, ngoài ra cũng cần các nhân lực kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhiên liệu.
Vì vậy, để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin được cho là rất tiềm năng với Việt Nam, Bộ Tài chính nhận định nhà nước cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển, trong đó có chính sách LPTB. Và kết luận đề nghị chỉ thực hiện ưu đãi LPTB đối với ô tô điện chạy pin.
Tuấn Việt
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.51793743140111202-man-3-gnort-ab-court-ihp-el-001-neim-coud-pas-nip-yahc-neid-ot-o/nv.zibefac