vĐồng tin tức tài chính 365

Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi

2021-11-04 15:22

Phấn đấu là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 1520 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Sản xuất chăn nuôi hàng hóa được chủ yếu sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm.

Kinh tế vĩ mô - Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045,100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp. Ảnh: Thanh Niên. 

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người.

Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính được sản xuất trong cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% chế biến sâu.

Đồng bộ các giải pháp

Ông Trọng cho biết, để đạt được mục tiêu trên, một loạt các giải pháp đồng bộ về giống; thức ăn chăn nuôi; công nghệ chăn nuôi; giết mổ và chế biến; đào tạo nhân lực, khuyến nông, khoa học đã và đang được xây dựng và triển khai.

Về giống, ông Trọng phân tích, có 3 phân khúc thị trường, trong đó giống có năng suất cao phục vụ chăn nuôi công nghiệp, trang trại, chủ yếu từ nguồn nhập ngoại. Giống này cho sản phẩm chất lượng cao phục vụ phân khúc thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước có thu nhập cao. Thứ hai là giống chất lượng cao, chủ yếu là giống bản địa, phù hợp chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp, theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Thứ ba là giống vừa có chất lượng vừa cho năng suất, là con lai giữa giống năng suất cao và chất lượng cao, giữa con giống nội với con giống ngoại, phục vụ cả chăn nuôi nông hộ và trang trại.

“Chúng ta đẩy mạnh nhập giống mới chất lượng cao kèm công nghệ đồng bộ, đồng thời tăng cường phát hiện, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa. Cần phát huy được tiềm năng nội lực vì Việt Nam có hệ thống giống bản địa chất lượng cao rất đa dạng”, ông Trọng nói.

Kinh tế vĩ mô - Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi (Hình 2).

Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi

Về thức ăn chăn nuôi, cần tăng cường các đối tượng sử dụng được nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước để giảm áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vì đang phụ thuộc nhiều quá, nhập từ nước ngoài trên 90%. Sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước thì mới hạ được giá thành sản phẩm. Theo ông Trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi một phần diện tích trồng trọt ít hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, trồng cỏ, thức ăn xanh cho trâu bò; trong khi cho gia cầm sử dụng lúa thì rất tốt.

Song song đó, chúng ta nhập công nghệ chăn nuôi hiện đại, công nghệ tự động; tăng cường đào tạo nhân lực, khuyến nông và khoa học. Về chế biến, ngành chăn nuôi trong nước đang sản xuất thô là chính, giết mổ nhỏ lẻ rất nhiều. Cho nên, ông Trọng cho hay, ngành đang nỗ lực sản xuất theo chuỗi, tăng cường chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

Ngành chăn nuôi cũng đang chờ đợi việc triển khai hiệu quả chính sách tín dụng. Người dân, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng nhiều chính sách về tín dụng khó áp dụng tại địa phương. Chăn nuôi gặp khó về đất đai, cần sửa lại quy định trong luật Đất đai. Trong khi đó, nuôi gia súc, gia cầm tập trung quá nhiều vào các vùng mật độ dân cư cao như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ. Theo ông Trọng, chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển chăn nuôi tới những vùng mật độ dân cư thấp, ví dụ như trung du miền núi, duyên hải miền trung và Tây nguyên… Các địa phương cần xây dựng kịp thời nghị quyết để HĐND tỉnh thông qua, trong đó cấm chăn nuôi trong nội thành nội thị và căn cơ nhất là xây dựng được chính sách di dời chăn nuôi như nêu trên khi hiện mới có 20/63 tỉnh, thành làm tốt việc này.

Ngành chăn nuôi chưa sản xuất theo chuỗi, giữa cung - cầu vẫn mất cân đối, lúc thừa khi thiếu. Chăn nuôi nông hộ chiếm tương đối trong khi sản xuất theo chuỗi thì doanh nghiệp phải là trọng tâm. Theo ông Trọng, chúng ta đang tăng cường liên kết các nông hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận, tạo thành chuỗi sản xuất mạnh.

Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%

Trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi vẫn cơ bản phát triển ổn định. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, đồng thời, về trứng, đạt trên 12 tỷ quả, sữa đạt gần 900 nghìn tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con, tăng 5%. Những tỉnh, thành phố có đàn lợn lớn như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Bên cạnh đó, với đàn bò, đạt gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%, trong đó đàn bò sữa trên 331 nghìn con. Đàn trâu khoảng 2,34 triệu con, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi và trung du, chiếm 55,3%.

Bên cạnh đó vì nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (khoảng 1,5 triệu con, khối lượng trên 120-160 kg/con) nên có giá 30-35.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá đã tăng dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg tùy từng vùng. 

Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của hai thành phố gồm: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, nguyên nhân do khâu lưu thông phân phối. Trong khi đó, các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa) giá thịt lợn từ 80-90.000 đồng/kg là mức giá hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng. 

Về giá sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15-20.000 đồng/kg; các tỉnh phía nam 6-10.000 đồng/kg. Những ngày gần đây tại các tỉnh đã tăng trở lại với 27-30.000 đồng/kg. Giá gà lông màu không có nhiều biến động, dao động từ 50-55.000 đồng/kg tại miền Bắc. Từ tháng 9 đến nay giá vịt 40-45.000 đồng/kg,…

Giải pháp giữ vững tăng trưởng 

Một số chỉ tiêu chính phát triển chăn nuôi năm 2021 là: Tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5- 6%; Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn; Sản lượng trứng đạt khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng: Trước diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, Cục đã đưa ra một số giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng: Tổ chức kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước mắt, trang bị thêm hệ thống xe bán hàng lưu động để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương. Bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành.

Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vệ sinh, tiêu độc khử trùng, cách ly, lấy mẫu bệnh cho nhân viên các cơ sở giết mổ. Xem xét xếp các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất con giống vật nuôi, chế biến thịt, sữa và vận chuyển cung ứng thịt, trứng, sữa phục vụ tiêu dùng, chuyên chở thức ăn chăn nuôi là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vaccine phòng chống Covid-19. Các địa phương cần thống nhất chỉ đạo, để khi thực hiện công tác phòng chống dịch thì cũng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất, kịp thời cung ứng sản phẩm cho tiêu dùng, tránh đứt gẫy các chuỗi sản xuất – lưu thông – tiêu dùng, chủ động nguồn cung cho tiêu dùng hiện tại và sắp tới.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện về vay vốn cho các cơ sở sản xuất duy trì và phát triển. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

 

 

Xem thêm: lmth.296235a-ioun-nahc-hnagn-uac-oc-iat-pahp-iaig-cac-ob-gnod/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools