Trong suốt 5 năm qua, Lê Thị Kim Dung làm công nhân may mặc cho một doanh nghiệp sản xuất quần Jean thương hiệu Mỹ tại khu công nghiệp ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Khi biến thể Delta lây lan, Dung và nhiều đồng nghiệp khác bị mắc kẹt trong khu nhà trọ chật hẹp. Khi các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ, vợ chồng Dung chọn cách về quê.
Theo Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào quyết định ở quê hay trở lại các khu công nghiệp làm việc của hàng trăm nghìn lao động như Dung. Họ đóng vai trò quan trọng nhất trong các nhà máy rộng như những sân bóng đá, thuộc sở hữu của doanh nghiệp địa phương hay các doanh nghiệp FDI.
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi, Việt Nam nổi lên như một điểm nóng về sản xuất. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Samsung Electronics, đã mở hàng loạt nhà máy ở Việt Nam từ vài năm trước và đang tiếp tục các kế hoạch tương tư. Các nhà thầu phụ cho Urban Outfitters, Calvin Klein và Gap sản xuất áo phông, quần jean và áo len tại Việt Nam. Hàng trăm triệu đôi giày của Nike, Adidas và Puma do công nhân Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, cũng theo Bloomberg, chỉ khoảng 70% số công nhân, thậm chí ít hơn, đang làm việc trong các nhà máy sau làm sóng lao động về quê. Điều này đe dọa ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Chính phủ và các doanh nghiệp đang tìm nhiều cách để thu hút người lao động trở lại.
Hiện tại, một nhà cung cấp của Nike Inc. đang treo thưởng 100 USD, tương đường ¼ tháng lương trung bình của công nhân, để thu hút người lao động. Nhà sản xuất giày thể thao New Balance hứa hẹn về việc đón tận nơi người lao động từ quê nhà lên thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn miễn phí.
Chính phủ cũng rất coi trọng việc đưa người lao động trở lại các khu công nghiệp. Nhiều hội chợ việc làm đã được thiết lập trên các ứng dụng công nghệ. Các cơ quan, ban ngành cũng gửi văn bản khẩn đề nghị giảm tiền thuê trọ cũng như đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin cho người lao động. Trong những ngày tới, Quốc hội sẽ đưa vấn đề này ra chất vấn và trách nhiệm giải trình thuộc về các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Do ảnh hưởng của dịch, người lao động vẫn tiếp tục gặp khó khăn ngay cả khi muốn trở lại thành phố Hồ Chí Minh hay các trung tâm công nghiệp để làm việc. Tuy nhiên, những rào cản này đang được nỗ lực giải quyết nhằm đảm bảo các khu công nghiệp, các nhà máy có thể trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới.
Nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động sản xuất, Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban bố quy định mới, trong đó cho phép F1 đi làm nếu 80% người lao động của doanh nghiệp đã tiêm vắc xin đẩy đủ hoặc F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ. Đây là lần đầu tiên các F1 ở Việt Nam được làm việc bình thường kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp (doanh nghiệp) đo được Sở Y tế TP.HCM ban hành cũng quy định F1 được xét nghiệp vào ngày 3, 7 và tiếp tục 7 ngày/lần cho đến khi không còn phát hiện F0. Họ cũng phải khai báo sức khỏe và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
Trong khi đó, tính tới 3/11, Việt Nam đã nhận trên 113 triệu liều vắc xin, phân bổ 105 triệu liều, đã tiêm 85 triệu liều và 25 triệu người được tiêm 2 mũi. Nếu chỉ xét trong những người trên 18 tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ của Việt Nam đạt 35%, mức khá trong khu vực.