vĐồng tin tức tài chính 365

Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11

2021-11-04 17:18

Chiều 4/11, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác, vận hành giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông .

Chủ trì buổi họp báo là ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT và ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

 Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Đan

651 nhân sự vận hành

Tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, đại diện chủ đầu tư cho biết, đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo theo thiết kế.

Theo khuyến cáo tư vấn an toàn, Metro Hà Nội đã bổ sung thêm 82 nhân sự. Trong đó có 41 nhân sự được đào tạo tại Trung Quốc, 16 nhân sự được đào tạo tại Việt Nam.

Sau khi bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, theo ông Phương, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung còn tồn tại của dự án cũng như thực hiện công tác bảo hành công trình theo quy định của hợp đồng, phối hợp với đơn vị vận hành trong giai đoạn khai thác.

Lãnh đạo Metro Hà Nội thông tin, các chuyên gia cũng sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. Với đội ngũ nhân sự đã được đào tạo là 733 người, chia cho km của tuyến là 56 người phục vụ trên mỗi km. Các nhân viên phục vụ tuyến đường sắt đã được sát hạch trong tháng 9 và đều đạt yêu cầu; nhân viên phục vụ đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

 Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT tại họp báo. Ảnh: Hoàng Đan

Vận hành làm 2 giai đoạn

Ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho hay, theo kế hoạch, quá trình vận hành, trong 1 năm đầu, chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu tiếp nhận tinh thần vận hành từ thấp đến cao để phù hợp với thông lệ chung và phù hợp với mức độ sử dụng của người dân. Giờ mở tuyến của giai đoạn này sẽ từ 5h30 và đóng tuyến 20h.

Trong một tuần đầu dự kiến 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 sẽ 10 phút/chuyến. Nếu khách đi đông sẽ vận hành linh hoạt. Đồng thời, 15 ngày đầu miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP. Sau đó, sẽ thu tiền.

Sau 6 tháng, theo ông Trường, sẽ mở tuyến từ 5h30 và đóng tuyến lúc 22h30. Dự kiến 10 phút/chuyến và cao điểm là 6 phút/chuyến.

Về thời gian khai thác vận hành, Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đúng 7h ngày 6/11, sẽ phối hợp tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận.

 Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 - Ảnh 3.

Ông Dương Đức Tuấn tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Đan

Sau khi bàn giao tiếp nhận, ký biên bản bàn giao giữa Bộ GTVT và TP Hà Nội thì tuyến đường sắt chính thức khai thác vận hành thương mại.

Theo quy trình, có 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn thử nghiệm đã thực hiện xong. Còn từ 6/11: bắt đầu giai đoạn 2, khai thác giai đoạn đầu trong vòng 1 năm.

Sau 1 năm, sẽ có đánh giá cụ thể. Giai đoạn 2 được đánh giá rất quan trọng, tạo sự nhuần nhuyễn trong quy trình, vận hành hiệu quả. Sau giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn 3 là giai đoạn vận hành bền vững.

Về việc chạy bao nhiêu, ông Tuấn nói, còn liên quan đến lưu lượng hành khách, phải có thời gian để nhân dân tiếp nhận, nhất là loại hình hoàn toàn mới. Ông nói, từ Cát Linh xuống Hà Đông dài 13 km mất khoảng 23 phút còn nếu đi ô tô phải mất 45 phút đến 1 tiếng.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội thông tin, khu depot đặt ở Yên Nghĩa (Hà Đông) có quy mô 40 ha và đây còn là dự trữ cho quỹ đất, để có thể phát triển nối dài từ Cát Linh - Hà Đông về Xuân Mai (dài 15 km), tổng dài 30 km.

Điểm mới về Giá vé

Đối với giá vé đi tàu, theo ông Nguyễn Hồng Trường, được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và đã được TP thông qua.

Giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức: Giá mở cửa là 7.000 đồng/lượt; theo chặng là 8.000-15.000 đồng/lượt. Vé cũng được bán theo tháng và ưu tiên theo các đối tượng cụ thể.

Lãnh đạo Metro Hà Nội cũng chỉ rõ, có 3 điểm mới ở dự án đường sắt này. Trong đó, giá vé sẽ thực hiện đi dài trả tiền nhiều còn đi ngắn trả tiền ít chứ không tính giá vé đồng hạng như xe buýt hiện tại. Việc này sẽ phù hợp với nhu cầu đi của người dân, nhất là người dân đi ngắn.

Thứ hai về vé tháng sẽ tính 30 ngày từ ngày kích hoạt chứ không phải mua ngày nào nhưng đến hết tháng là hết hạn như xe buýt.

Thứ ba, lần đầu tiên, sẽ có vé ngày để khuyến khích người dân sử dụng tàu và sau này sẽ khuyến khích cho việc du lịch.

Liên quan đến vấn đề trợ giá vé tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông, ông Trường thông tin, trên thế giới, chỉ có 2 nước, thành phố là Nhật Bản và Hong Kong vận hành metro đảm bảo thu bù chi.

Với Hà Nội, thành phố đã thông qua khoản trợ giá nên giá vé tuyến này mới được như vậy. Chi phí bảo hiểm cũng nằm trong giá vé, hành khách không phải chi thêm gì.

Người dân đi xe có chỗ gửi để đi tàu không?

Ông Trường nói, do hạ tầng hiện nay, sẽ không có chỗ để gửi xe ô tô nhưng với 12 ga sẽ có 12 điểm cho phép người dân được gửi xe máy, xe đạp.

Ông Vũ Hồng Trường cũng thông tin, Metro Hà Nội đã diễn tập 10 tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành tuyến, nhưng tư vấn Pháp yêu cầu phải diễn tập 63 tình huống đảm bảo an toàn và Metro Hà Nội đã hoàn tất.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc vận hành, Hà Nội đã phê duyệt phương án kết nối xe buýt với các nhà ga của đường sắt Cát Linh Hà Đông. Trong đó, ga tàu Cát Linh và ga Yên Nghĩa có 16 tuyến xe buýt còn ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt.

Trên tuyến, ông Trường nêu rõ, hệ thống cũng sẵn sàng trong việc phòng chống dịch Covid-19, tại các ga đều có phòng cách ly tạm thời, hỗ trợ y tế với hành khách đi tàu.

Đánh giá đường sắt Trung Quốc xây theo tiêu chuẩn EU?

Tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi vì sao dự án được thiết kế và sử dụng theo công nghệ Trung Quốc nhưng đánh giá lại theo công nghệ của châu Âu?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam hiện chưa có, mới chỉ có tiêu chuẩn về thi công, khai thác. Bộ GTVT mới chỉ ban hành Thông tư về khai thác.

Trong quá trình thực hiện theo khung tiêu chuẩn chung, cái gì không có thì dựa theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, nhưng tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa theo châu Âu.

 Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 - Ảnh 4.

Ảnh: Việt Hùng

Đơn vị châu Âu đánh giá tiêu chuẩn an toàn, việc đánh giá trên cơ sở thiết kế của dự án chứ không đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu.

“Ngay từ đầu các tiêu chuẩn đã không đồng bộ, vì vậy việc thực hiện có nhiều khó khăn. Việc này rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các dự án sau này”, ông Đông nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ, trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên việc thực hiện đã phải điều chỉnh nhiều. Do đó, trong tương lai, các dự án trong đô thị phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng và thi công, để đảm bảo tiến độ của dự án.

“Dự án xây dựng có tính chất trọn gói chưa đồng bộ. Dự án ODA thực hiện theo hợp đồng FIDIC, EPC nhưng các tiêu chuẩn ở Việt Nam chưa có quy định chi tiết, chưa phù hợp nên gặp nhiều khó khăn”, ông Đông nói thêm.

Hành khách đi tàu nếu gặp sự có được bồi thường?

Ông Vũ Hồng Trường nói, luật quy định, đi xe buýt hay tàu đều được mua bảo hiểm hành khách. Từ ngày 6/11, khi hành khách đầu tiên lên tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay.

 Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11 - Ảnh 5.

Ông Vũ Hồng Trường phát biểu tại họp báo

Tại sao dự án "lỡ hẹn" nhiều như vậy?

Trả lời câu hỏi về số lần “lỡ hẹn” của dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án vô cùng phức tạp.

“Chúng tôi đã tính tới việc khai thác từ những năm 2014-2015, nhưng không thể vận hành được. Đến nay, sau khoảng 3-4 lần “lỡ hẹn” thì chúng tôi mới triển khai khai thác. So với kế hoạch thì thực tiễn khai thác đã chậm khoảng 6 năm”, ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ rõ, dù việc chậm nhưng đã tạo ra những bài học kinh nghiệm vô cùng lớn như giải phóng mặt bằng không dễ, quy định ODA, hợp đồng EPC, vấn đề thuộc về năng lực quản lý hệ thống, tổng thầu EPC, sự khớp nối...

“Song tất cả khó khăn vướng mắc đã vượt qua”, ông Tuấn nêu rõ. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, Hà Nội đã giao cho công an TP, công an các quận, địa phương lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ các ga. dọc tuyến.

Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến thì hiệu quả sẽ ra sao?

Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, nếu chỉ một dự án thì sẽ không phát huy được hiệu quả, vì vậy trong quy hoạch của Hà Nội đã có hệ thống đường sắt đô thị để tạo sự đồng bộ.

Trong đó, tuyến Nhổn – ga Hà Nội, dự kiến 8 km nổi sẽ khai thác cuối 2022, 4 km ngầm rất mới, vướng mắc giải phóng mặt bằng rất phức tạp và đang tập trung cao độ.

Về tuyến số 5 Hồ Tây - Hoà Lạc đang trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT, sử dụng đầu tư công khoảng 65.000 tỷ đồng với khoảng 30 km, không phân kỳ, sẽ khởi công vào giai đoạn 2021 – 2025 và hoàn thành 2025-2030.

Tuyến Ga Hà Nội – Hoàng Mai chủ yếu là ngầm, khoảng 12 km, vốn nước ngoài và Thủ tướng đang làm việc với Pháp. Các dự án này đều phải trình Quốc hội.

Tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, theo ông Tuấn đã thông qua chủ trương đầu tư và trình Quốc hội để điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Với tuyến đường sắt đô thị số 8, hiện Tổ chức Koica của Hàn Quốc đang chuẩn bị nghiên cứu.

Vấn đề vay vốn của dự án

Trả lời về việc vay vốn của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, dự án là tổ hợp vay gồm vay vốn ưu đãi của Trung Quốc và vay vốn Eximbank lãi suất cao hơn.

Theo ông Đông, cũng như nhiều dự án khác, với dự án này, Nhà nước, cụ thể Bộ Tài chính đứng ra vay và Trung Ương hỗ trợ cấp phép còn phần thiết bị sẽ do các thành phố, cụ thể là Hà Nội vay lại.

Ở đây, chủ đầu tư xây dựng là Bộ GTVT, khai thác là Hà Nội, theo cơ chế của Thủ tướng phê duyệt thì Bộ GTVT nhận lại khoản vay lại gần 99 triệu USD, chuyển cho HN nhận nợ. Hà Nội sau khi nhận bàn giao sẽ kích hoạt khoản nhận nợ, và phương án trả lãi.

Ai chịu trách nhiệm khi chậm tiến độ nhiều năm?

Về câu hỏi tiến độ dự án chậm nhiều năm vậy trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án sẽ được xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ, dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm, vừa làm, vừa phải dò và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.

Dự án sẽ là bài học cho các dự án sau. Ông Đông nói, về vấn đề trách nhiệm, chủ đầu tư đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ.

Chủ đầu tư đã làm không tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nghiệm thu dự án chưa thông suốt. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Giải quyết khiếu nại tố cáo của dự án thế nào?

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về những vướng mắc trong giải quyết khiếu nại tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Hà Nội, không chỉ những công trình giao thông mà những công trình khác, trong suốt quá trình thực hiện cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư, bồi thường đều vô cùng phức tạp.

Các dự án đường sắt thì có Luật đường sắt, vì thế cơ chế chính sách khi có khiếu nại tố cáo phải giải quyết theo rất nhiều luật.

Theo ông Tuấn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình xuyên tâm, đi từ trung tâm nội đô tới ngoài vành đai, lại là tuyến đi nổi nên việc chậm trễ giải phóng mặt bằng do liên quan tới rất nhiều vấn đề.

Hà Nội là địa phương chịu trách nhiệm trong công tác giải phòng của dự án. Thành phố và các quận đã rất cố gắng, dự án chậm 5-6 năm thì riêng giải phóng mặt bằng cũng mất tới 3 năm. Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, dự án sẽ là bài học rất lớn cho các dự án tiếp theo.

Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thì đây là thời điểm mang tính chất lịch sử để đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và của Hà Nội vào hoạt động.

"Vẫn biết đây là kỹ thuật mới, ODA nước ngoài đều là những khó khăn vướng mắc, nhưng các bên, đặc biệt là Bộ GTVT đã vượt qua vô vàn khó khăn", ông Tuấn nêu rõ.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, ký kết từ năm 2008, khởi công từ tháng 10/2011.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án có chiều dài 13,05 km đi hoàn toàn trên cao. Trên tuyến có 12 nhà ga, điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và cuối tuyến ga Cát Linh (quận Ba Đình). Dự án có 13 đoàn tàu, dự kiến giai đoạn đầu sẽ khai thác 4-6 đoàn tàu, với thời gian 10-15 phút/chuyến.

Ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội. Ngày 29/4/2021, Tư vấn ACT của Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tháng 7/2021, dự án được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về cấp chứng nhận thẩm định đánh giá an toàn hệ thống.

Ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về các công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Hoàng Đan

DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ

Xem thêm: nhc.73893407140111202-11-6-ut-gnod-ah-hnil-tac-tas-gnoud-neyut-hnah-nav-ed-yt-0022-noh-yav-nahn-ion-ah/nv.zibefac

Comments:0 | Tags: vay

“Hà Nội nhận vay hơn 2.200 tỷ để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6/11”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools