Đại diện Vìnfast trao thỏa thuận với đối tác Pháp nhằm "tiến công" thị trường châu Âu - Ảnh: LÊ KIÊN
Đây là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng.
Xe điện Vinfast và trái cây chất lượng cao vào Pháp
Có khoảng 30 thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác ở Pháp, châu Âu được trao đổi dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Điều đặc biệt lần này là nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký các hợp đồng để đưa hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam "chinh phục" thị trường Pháp, châu Âu.
Trong đó, Công ty VinFast và Tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp Électricité de France (EDF) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng và các dịch vụ liên quan tại Pháp.
Thỏa thuận trên sẽ cho phép VinFast hợp tác với EDF trong việc cung cấp các giải pháp mạng lưới trạm sạc công cộng, đồng thời thiết kế các ưu đãi đặc biệt dành riêng cho chủ sở hữu xe điện VinFast tại Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước đi chiến lược trong kế hoạch trở thành thương hiệu toàn cầu của VinFast.
EDF là một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất ở châu Âu. EDF chú trọng hợp tác với các đối tác doanh nghiệp nhằm tăng trưởng bền vững và bảo vệ khí hậu.
Tại buổi lễ, đại diện Hiệp hội vì sự phát triển của xe diện (AVERE) và đại diện Hiệp hội ôtô và xe máy quốc tế (CSIAM) đã trao chứng chỉ thành viên cho Vinfast.
"Hợp tác cùng VinFast là một tín hiệu mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc triển khai lâu dài các phương tiện giao thông không khí thải ở Pháp và châu Âu. Thỏa thuận hợp tác sẽ cho phép chúng tôi đáp ứng kỳ vọng của khách hàng bằng cách cung cấp các ưu đãi sạc và các dịch vụ liên quan phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ"- Giám đốc bộ phận Giao thông điện tử của EDF - ông Olivier Dubois - chia sẻ.
Ngoài lĩnh vực công nghệ ô tô điện, Thủ tướng cũng chứng kiến hợp tác nhằm xuất khẩu trái cây Việt Nam số lượng lớn vào Pháp và châu Âu. Chủ tịch Tập đoàn Mia Group Nguyễn Ngọc Huyền đã trao đổi thỏa thuận hợp tác với ông Martijn Jansen - giám đốc điều hành Tập đoàn MCE - Amélie EU Gateway, một trong 3 tập đoàn lớn nhất cung cấp nông sản cho các siêu thị lớn tại châu Âu về mở rộng xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Thỏa thuận nêu trên cho phép xuất khẩu trong năm 2022 với 5.000 tấn nông sản các loại bao gồm: thanh long, dừa, vải, xoài, chuối, chanh không hạt…; thực hiện các quy trình, quy định và chứng nhận của EU; quy hoạch vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. MCE cũng mong muốn phối hợp với Mia Group phát triển vùng trồng để đảm bảo nguồn cung và trở thành đối tác độc quyền xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu với tổng sản lượng có thể lên đến hơn 500.000 tấn
Một thỏa thuận khác có giá trị 15 triệu Euro cũng được lãnh đạo Mia Group ký với tập đoàn Kaira Clan nhằm xây dựng hệ thống phòng lab để thu thập và phân tích dữ liệu nông sản, định hướng cho phát triển, chăm sóc và thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của Phần Lan.
Trái cây Việt có nhiều cơ hội vào thị trường Pháp sau khi thỏa thuận này được trao đổi - Ảnh: LÊ KIÊN
Quan hệ Việt - Pháp: duyên nợ nên không bỏ được nhau
Khán phòng diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt chật kín người đã làm Thủ tướng xúc động. "Tôi nhận thấy tình cảm quý mến, thân thiện mà hai dân tộc chúng ta đang dành cho nhau, được thể hiện ngay tại khán phòng này, các thỏa thuận hợp tác mà tôi vừa chứng kiến lên đến hàng tỉ USD. Chúng ta tin tưởng lẫn nhau thì mới có hợp tác tốt như vậy, mới có thể trao đổi hợp tác công nghệ, đầu tư như vậy" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ chúc mừng các đối tác Việt - Pháp đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, công nghệ, bảo vệ môi trường, ngành đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Pháp để tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp, vì lợi ích của hai quốc gia và nhân dân hai nước. Ông đề nghị các nhà đầu tư đặc biệt đầu tư vào các ngành mới nổi, công nghệ xanh.
"Việt - Pháp là mối quan hệ duyên nợ, trong lịch sử từng có lúc thế này, khi thế khác nhưng không bỏ được nhau" - Thủ tướng nói. Ông vừa dứt lời thì khán phòng vang lên những tràng vỗ tay dài.
Ông lấy ví dụ về chữ viết Việt Nam ngày nay bắt nguồn từ ngữ hệ La tinh được du nhập vào. Và câu chuyện đáng được kể nhất là người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dừng chân khá lâu tại nước Pháp trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh sự tin cậy chính trị trên nền tảng đối tác chiến lược Việt - Pháp đã được vun đắp sẽ là động lực cho hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Ngoài các thỏa thuận nêu trên, còn có các hợp đồng đáng chú ý khác như Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330; HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội VIETTEL và đại diện Công ty Rapid Space International thỏa thuận nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G.
Bệnh viện K và Trung tâm phòng chống ung thư Francois Baclesse thỏa thuận hợp tác về chuyển giao công nghệ chữa trị bệnh ung thư bằng các công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế; Tập đoàn T&T, Đại học Y Hà Nội và Tập đoàn NG Biotech lên trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất 175 loại test nhanh cho Việt Nam…
TTO - Ngày 3-11, sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Vương quốc Anh và dự Hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn cấp cao Việt Nam rời Glasgow đến Paris thăm chính thức Cộng hòa Pháp.