Ngày 4-11, UBND quận 7 đã ký kết với Tập đoàn FPT về xây dựng Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7. Lễ ký có sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo UBND quận 7 và Tập đoàn FPT.
Lãnh đạo phường, quận phải luôn mở máy nghe dân
Ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, cho biết ở giai đoạn 1 của trung tâm này, lần đầu tiên trong 24 năm kể từ ngày thành lập quận 7, tất cả dữ liệu về tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền, an ninh trật tự mà đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh được cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Đáng chú ý, các dữ liệu này được kết nối với điện thoại di động của các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận và bí thư Đảng ủy 10 phường.
Cụ thể là các dữ liệu, thông tin về tình hình ca bệnh F0, năng lực y tế, khả năng điều trị, việc tiêm vaccine, chăm lo an sinh, giải quyết phản ánh, tình hình phục hồi kinh tế, doanh nghiệp, lao động, việc làm, quản lý an ninh trật tự và giao thông... “Đây là bước tiến quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc chuyển đổi số trong công tác chính quyền, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số” - ông Thái nhấn mạnh.
Theo ông Thái, sang giai đoạn 2, trung tâm phát triển thêm dịch vụ hành chính công. Trong đó, tập trung tương tác, phản hồi, kiểm soát, trao đổi thông tin hai chiều giữa lãnh đạo và cán bộ, công chức; giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời gắn với đánh giá mức độ hài lòng, phản hồi của người dân, doanh nghiệp…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại UBND quận 7.
Ảnh: MINH TÂM
Từ kiểm soát dịch đến đánh giá đúng cán bộ
Tại buổi ký kết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận TP đã có những ngày rất quý giá trong khoảng một tháng qua với sự tương đối bình yên.
Theo Bí thư Nên, hiện TP chỉ mới tương đối bình yên và phía trước đang tiềm ẩn nhiều vấn đề cần phải lo. Ông khẳng định: “Chúng ta không thể nghĩ lạc quan rằng chúng ta có thể giải quyết dịch bệnh này trong thời gian ngắn. Điều này Tổ chức Y tế Thế giới đã nói; đặc biệt nhiều nước có điều kiện hơn chúng ta, hạ tầng xã hội - y tế phát triển hơn và có nhiều điều kiện hơn nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên tục”.
Ông nhìn nhận công thức để TP chống dịch hiện nay là vaccine, 5K, thuốc và công nghệ. Trong đó, ông khẳng định: “Muốn an toàn thì phải kiểm soát, muốn kiểm soát thì phải bằng công nghệ chứ không thể bằng thủ công được, nhất là TP.HCM với hơn 10 triệu dân thường xuyên sinh sống và vãng lai”.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay qua một tháng thực hiện, Tập đoàn FPT đã cùng quận 7 cho ra những hạt giống cực kỳ quý và hạt giống này sẽ nhân ra càng sớm càng tốt cho TP.HCM.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết trong giai đoạn chuẩn bị “bình thường mới” này, điều đáng lo ngại là việc quản lý nguồn lây bệnh, còn việc quản lý F0, quản lý điều trị là chuyện bị động. Bởi khi ca nhiễm tới số lượng lớn thì sẽ quá tải.
“Phải tính toán quản lý, chủ động ngăn chặn từ xa, đó là quản lý chủ động, còn chờ có ca nhiễm để đưa vào xử lý là thụ động” - ông nói và cho rằng thực tế đòi hỏi công nghệ phải vươn lên để đảm bảo ba mục tiêu: Sức khỏe, tính mạng của người dân; sức khỏe của nền kinh tế và sinh hoạt, đời sống của người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ việc chọn thí điểm Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế quận 7 là việc chưa có tiền lệ, chưa có bài học nhưng đã cho ra những sản phẩm quan trọng.
Cụ thể, tận dụng cùng một thời gian mà quận 7 làm ra được nhiều sản phẩm, không chỉ về công tác phòng chống dịch mà còn có sản phẩm liên quan đến hành chính công với mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Theo bí thư, lâu nay việc đánh giá cán bộ chủ yếu bằng định tính, việc đánh giá bằng định lượng còn khó khăn.
Với việc đánh giá cán bộ qua sản phẩm mới này, ông hy vọng niềm tin của nhân dân sẽ thay đổi và được nâng lên. “Đánh giá đúng thì sẽ đào thải những thành phần làm việc không có hiệu quả, không có trách nhiệm, thậm chí bị suy thoái” - ông nhìn nhận.
Có F0, cán bộ không nghe máy sẽ “cộng sổ” trách nhiệm Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết ngoài tổng đài 1022 của TP.HCM, quận 7 cũng đang xây dựng thêm một tổng đài riêng để chăm sóc F0 hai chiều. Cụ thể, một mặt tổng đài tự động gọi đến các F0 trên địa bàn hằng ngày để theo dõi, chăm sóc; một mặt người dân có triệu chứng nhưng chưa phải là F0 cũng có thể gọi đến tổng đài để được tư vấn an toàn. Đáng chú ý, khi tiếp nhận thông tin về F0, tổng đài sẽ tự động gọi đến các đơn vị chức năng và tự chuyển tiếp cho người khác sau 1 phút nếu không có người nghe máy. Cụ thể theo thứ tự: Trạm y tế phường, Bệnh viện quận 7; chủ tịch phường; lãnh đạo quận. “Nếu tất cả mọi người không nghe máy, sẽ đều tích hợp trên lũy kế lịch sử và sẽ đánh giá trách nhiệm của cán bộ khi xảy ra hậu quả. Đây là điểm mới để quy trách nhiệm cán bộ và gắn liền với phục vụ người dân” - ông Thành khẳng định. Quận 7 cũng đang xây dựng tổng đài tiếp nhận mọi phản ánh của người dân, thông tin thuộc phường hay phòng, ban nào thì chuyển cho cơ quan đó. Trường hợp trong 48 giờ mà chưa xử lý thì lãnh đạo sẽ nhắc ngay. |