Các hoạt động trên mạng của con trẻ luôn cần sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh - Ảnh: TIẾN VŨ
TikTok khá hấp dẫn với giới trẻ, ở Việt Nam người dùng TikTok cũng chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 13 - 24 tuổi. Thách thức về nội dung dành cho độ tuổi vị thành niên luôn là dấu chấm hỏi lớn với nhiều nền tảng trước đó như YouTube, Facebook hay Twitter.
Sàng lọc nội dung kém
Ngay sau khi có những cáo buộc từ Mỹ, Ấn Độ, TikTok đã dần có những động thái đầu tiên như đưa ra nhiều điều khoản dành riêng cho người dùng nhỏ tuổi như cơ chế liên kết tài khoản gia đình Family Pairing. Ngoài ra, những tài khoản có thông tin từ 13 - 15 tuổi cũng sẽ được mặc định ở chế độ riêng tư và tắt những tính năng đề xuất, livestream và nhận tin nhắn.
Có thể thấy những hành động này của TikTok chỉ hữu dụng khi người dùng khai thông tin trung thực. Do đó, sẽ rất khó để kiểm soát và đảm bảo về những yếu tố khách quan khác như cố tình khai sai thông tin hay hệ thống kiểm duyệt vẫn làm chưa tốt kể cả với những nội dung đã được giới hạn.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, đại diện TikTok Việt Nam khẳng định "an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu". "Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi quy định rõ những nội dung nào được phép hoặc không được phép xuất hiện trên nền tảng. Đây cũng là cam kết của TikTok trong việc duy trì một môi trường an toàn với nhiều nội dung đặc sắc và đa dạng" - đại diện này nói.
Tuy nhiên, có thể thấy TikTok sàng lọc nội dung kém - điều mà các fan của TikTok cũng thừa nhận. Không ít nội dung trên TikTok đang vô tình lan truyền những xu hướng nguy hiểm cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.
Và vì thế, sự đồng hành của gia đình luôn là chìa khóa then chốt.
Tạo môi trường trò chuyện thân thiện với con
Việc giáo dục cho con trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp sẽ luôn là thách thức, trách nhiệm lớn lao của cha mẹ khi đồng ý cho con sử dụng mạng xã hội nói chung cũng như TikTok nói riêng.
"Tôi thấy TikTok vẫn mang lại nhiều lợi ích nhất định như tính giải trí cao, cập nhật tin tức, xu hướng nhanh nhạy... Tôi không bài trừ TikTok hay mạng xã hội nào. Tuy nhiên với con trẻ thì khác. Chúng ta phải kiểm soát, đảm bảo được những thứ con xem có phù hợp hay không" - diễn viên Thúy Diễm chia sẻ.
Chị Nguyễn Phương Thanh Trúc - người đồng sáng lập CyberPurify, công ty chuyên về những sản phẩm phần mềm để bảo vệ trẻ em trên môi trường số - gợi ý một số biện pháp tự bảo vệ con trẻ trước nội dung xấu trên môi trường mạng: "Cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con về những nguy hiểm trên mạng nói chung và rủi ro khi sử dụng TikTok nói riêng: các thử thách nguy hiểm, nội dung người lớn, nội dung khuyến khích chất gây nghiện... Chia thành những buổi trò chuyện nhỏ tầm 15 - 20 phút nhưng thường xuyên sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn và đỡ nhàm chán".
Chị Thanh Trúc lưu ý việc phụ huynh cần giữ các cuộc trò chuyện hai chiều, tạo môi trường trò chuyện thân thiện với con, cho con cảm thấy có thể chia sẻ với cha mẹ bất kỳ điều gì mà con không sợ bị la mắng hay phán xét.
Mặt khác, theo chị Thanh Trúc, với gần 30% lượng người dùng là trẻ em, việc TikTok nên tập trung làm tốt hơn là bộ lọc, chặn chính xác và nhanh chóng hơn các loại nội dung người lớn, khiêu dâm, khuyến khích chất gây nghiện và những bình luận tục tĩu, có khả năng gây tổn thương người khác.
Rõ ràng, TikTok với lượng người dùng khổng lồ và kho nội dung đa dạng là điểm cộng nhưng cũng đồng thời đem lại rủi ro trên không gian mạng nếu không kiểm soát tốt. Về vấn đề này, sự chung tay giữa TikTok và người dùng vẫn chưa đủ, còn phụ thuộc vào ý thức của hàng triệu người đang sản xuất clip đăng TikTok. Chỉ bằng những nội dung sáng tạo tích cực, chất lượng, có tính giáo dục, TikTok mới không còn bị gắn mác "độc hại".
TS Đặng Hoàng Giang: Có trách nhiệm của mạng xã hội
Không chỉ TikTok mà các mạng xã hội phổ biến khác như Instagram hay Facebook từ lâu không còn là không gian để người dùng, dù người lớn hay trẻ em, lên đó vui vẻ, kết nối, giải trí. Chúng đã trở thành những nơi tiềm ẩn sự độc hại, thô tục.
Là phụ huynh có con gái tuổi teen, tôi cho rằng cha mẹ không thể cấm con mình sử dụng TikTok cũng như không thể kiểm soát, kiểm duyệt được những nội dung mà chúng tiêu thụ.
Theo tôi, điều quan trọng là cha mẹ giúp con có một đời sống tinh thần hạnh phúc và xây dựng một hệ giá trị sống khỏe mạnh. Đứa trẻ tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, cơ thể của mình cũng như của bạn bè mình và những người xung quanh, qua đó sẽ khước từ tạo ra hay tiêu thụ những nội dung đi ngược với những giá trị này.
Các bạn trẻ sẽ phân biệt được giữa trêu chọc vô hại và bắt nạt, sẽ vẫn có những selfie vui vẻ nhưng không bị lao vào những trò nguy hiểm để mong được chứng tỏ giá trị của bản thân và được người khác quan tâm, chú ý.
Nếu tìm được niềm vui ở thiên nhiên, thể thao, nghệ thuật, tình bạn, con trẻ sẽ ít ở trên mạng xã hội hơn, hoặc nếu có ở trên đó thì cũng không tìm tới những trò bạo lực, gây hại cho người khác hay cho chính chúng, hay những trò tục tĩu, độc ác mang tính lăng mạ, không tôn trọng người khác. Đó chính là vắc xin trong môi trường mạng có nhiều độc hại hiện nay.
Cha mẹ cũng cần xây dựng được một sự gần gũi, gắn kết với con trên tinh thần tôn trọng con. Qua đó, con trẻ sẽ chia sẻ những mối quan tâm của mình và cha mẹ có thể cùng con thảo luận vì sao nội dung này lại có vấn đề, vì sao nội dung kia lại không ổn. Quan trọng là cha mẹ phải thuyết phục được con cái đồng ý với quan điểm của mình thay vì áp đặt.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, không chỉ TikTok mà cả các mạng xã hội khác cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về những hệ quả tiêu cực họ gây ra. Điểm chung của những mạng xã hội này là các thuật toán được dùng để níu kéo người dùng sử dụng nhiều nhất có thể, nên những nội dung cực đoan, bạo lực, độc hại, công kích lại được ưu tiên để được hiển thị và lan truyền nhiều nhất.
Các mạng xã hội cần phải đầu tư nguồn lực hơn rất nhiều để nhận biết và lọc những nội dung độc hại một cách nhanh chóng, kịp thời, họ cần phải thay đổi các thuật toán của mình. Cơ quan chức trách nhà nước cần phải có những biện pháp quản lý mạnh tay hơn nếu các công ty vì để bảo vệ lợi nhuận mà không chủ động thay đổi.
TTO - TikTok đang nổi lên là ứng dụng video phổ biến nhất thế giới nhưng cũng là môi trường mạng xã hội ẩn chứa nhiều sản phẩm rác có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên.