Nhiều doanh nghiệp giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn do dịch COVID-19 kiến nghị hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT - Ảnh: HÀ QUÂN
Văn bản phản hồi của Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo về chính sách hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục.
Trước đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục đã có kiến nghị về việc miễn giảm toàn bộ phí BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng người lao động vẫn được hưởng lợi ích từ thẻ BHYT trong thời gian ngưng hoạt động và kéo dài tối thiểu 12 tháng nữa kể từ thời điểm hoạt động bình thường.
Căn cứ Luật BHXH, Luật BHYT và các nghị định, thông tư liên quan, BHXH Việt Nam khẳng định việc miễn giảm tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ.
Do đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo BHXH Việt Nam, ngành BHXH đã tích cực phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Có thể kể đến như nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng), nghị quyết 116 (gói 38.000 tỉ đồng)…
Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực BHXH. Đầu tiên là chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho đơn vị, doanh nghiệp (khoảng 4.000 tỉ đồng).
Thứ hai, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và dự kiến số tiền tạm dừng đóng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện khoảng 8.000 tỉ đồng.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ người lao động bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng.
Thứ tư, chính sách giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0% quỹ tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN cho người sử dụng lao động với số tiền khoảng 8.000 tỉ đồng.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ đào tạo học nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ BHTN.
BHXH Việt Nam nhấn mạnh thời gian giải quyết chính sách được rút ngắn, không phát sinh thủ tục, hồ sơ. Cơ quan này cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp thực hiện.
BHXH Việt Nam cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT đối với các trường hợp đang tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, không được tiếp tục gia hạn thẻ BHYT theo nhóm.
TTO - Tính đến cuối tháng 10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận và giải quyết hồ sơ cho 770 đơn vị, với trên 139.000 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất; trên 2,1 triệu lao động hưởng các chính sách ở 63 tỉnh thành.