Báo cáo tài chính quý III cho thấy nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ trong mảng chứng khoán kinh doanh.
Chứng khoán kinh doanh là các loại chứng khoán vốn (cổ phiếu), chứng khoán nợ (trái phiếu) được ngân hàng mua hẳn và dự định bán ra trong thời gian ngắn nhằm mục đích kiếm lời từ chênh lệch giá. Lãi hoặc lỗ vốn trong hoạt động kinh doanh này được hạch toán trực tiếp vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hàng quý của ngân hàng.
Trong quý III, BIDV báo lỗ hợp nhất 2,4 tỷ trong mảng chứng khoán kinh doanh trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 58 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn trái ngược với 6 tháng đầu năm khi ngân hàng lãi hơn 572 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết quả trên đã được hỗ trợ phần nào từ các công ty con, đặc biệt là chứng khoán BSC. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ, BIDV lỗ gần 30 tỷ tại mảng chứng khoán kinh doanh trong khi cùng kỳ 2020 lãi hơn 23 tỷ; qua đó kéo giảm mức lãi lũy kế 9 tháng xuống còn 444 tỷ từ mức 474 tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Báo cáo tài chính của BIDV cho thấy, lượng chứng khoán kinh doanh vào cuối tháng 9 là gần 6.351 tỷ đồng, tăng 76% so với cuối quý II nhưng giảm 38% so với cuối năm trước. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 5.557 tỷ đồng; cổ phiếu do các doanh nghiệp trong nước phát hành là gần 447 tỷ; trái phiếu và cổ phiếu do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành lần lượt ở mức 102 tỷ và 76 tỷ đồng.
Tương tự, mảng chứng khoán kinh doanh của Techcombank trong quý III lỗ gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước và nửa đầu năm lãi lần lượt 128 tỷ và 197 tỷ. Đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất của ngân hàng này không có lãi trong quý III.
Vào cuối tháng 9, toàn bộ gần 6.117 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh của Techcombank là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Con số này giảm gần 1.477 tỷ đồng, tương đương 19% so với mức ghi nhận cuối tháng 6.
VPBank cũng ghi nhận lỗ hơn 11 tỷ do ‘’trading’’ chứng khoán trong quý III, tăng mạnh so với mức lỗ 4,6 tỷ của cùng kỳ năm trước. Qua đó kéo giảm kết quả mảng chứng khoán kinh doanh 9 tháng về lỗ 4,6 tỷ đồng từ mức lãi hơn 6,4 tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của VPBank vào cuối tháng 9 chỉ có trái phiếu chính phủ với giá gốc xấp xỉ 3.185 tỷ, gấp 6,5 lần cuối năm 2020 và gần như toàn bộ được mua vào trong quý III vừa qua.
MSB cũng lỗ 60 triệu trong mảng chứng khoán kinh doanh trong quý vừa qua, nâng tổng mức lỗ trong 9 tháng đầu năm lên gần 263 triệu đồng. Danh mục chứng khoán kinh doanh của ngân hàng này có giá trị 39,3 tỷ, toàn bộ là cổ phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Ngoài những ngân hàng kể trên, một số nhà băng khác cũng ghi nhận lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh trong quý III sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như OCB (giảm 34,3%), VietinBank (giảm 36%),…
Hiệu quả "trading’’ chứng khoán của nhiều ngân hàng đi xuống rõ rệt khi hoạt động giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong quý III kém sôi động so với những tháng đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Số liệu của VCBS cho thấy, thanh khoản giao dịch trên thị trường này vào quý III đã giảm 9,7% so với quý II, xuống còn 507.971 tỷ đồng. Với vai trò là những ‘’tay chơi’’ chính trên thị trường này, sự hạ nhiệt của thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp đã tác động phần nào đến kết quả kinh doanh các ngân hàng.
Giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ giảm trong quý III.
Bên cạnh đó, sau khi đi xuống trong đầu quý, lợi suất trái phiếu chính phủ đã bật tăng trở lại vào cuối tháng 9. Điều này đồng nghĩa giá trái phiếu chính phủ đã quay đầu giảm trong giai đoạn cuối quý III (giá trái phiếu tương quan nghịch với lợi suất), qua đó ảnh trực tiếp đến kết quả "trading’’ của các ngân hàng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ bật tăng vào cuối tháng 9.
Cùng với trái phiếu, thị trường cổ phiếu cũng giảm mạnh trong quý III (chỉ số Vn-Index mất 4,7%) với hàng loạt cổ phiếu giảm sâu. Điều này cũng tác động tiêu cực tới hoạt động đầu cơ ngắn hạn cổ phiếu.
Quốc Thụy
Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.47400214150111202-iii-yuq-gnort-ol-naohk-gnuhc-gnidart-gnah-nagn-ueihn/nv.zibefac